Muối ăn và những hậu quả nếu tiêu thụ quá nhiều

Cập nhật: 8/1/2021 - Lượt xem: 6497
Muối ăn là tên gọi dân dã của natri clorua (NaCl). Muối ở dạng tinh thể rắn, có tỷ trọng hơn 2 lần so với nước tinh khiết. Muối ăn thường được kết tinh từ nước biển hoặc khai thác từ các mỏ muối. Muối được sử dụng khá phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp, chế biến, bảo quản thực phẩm và y tế.
 
Vai trò của muối
 
 
Natri và clo, thành phần chủ yếu của muối là 2 nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Nồng độ muối cũng như nhiều nguyên tố hóa học khác được giữ ở mức tương đối hằng định là nhờ hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tiết niệu và tiêu hóa.
 
Muối ăn còn được tăng cường thêm i-ốt để đảm bảo nhu cầu Iod cho cơ thể. Iốt giúp làm giảm mắc bệnh bướu cổ, giảm nguy cơ thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh, giúp trẻ phát triển trí tuệ đầy đủ, qua đó giảm chi phí y tế, giảm gánh nặng kinh tế và xã hội.
 
Hậu quả của ăn thừa muối
 
  • Tăng huyết áp: Ăn nhiều muối làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều, giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp.

  • Ăn nhiều muối sẽ làm cho cơ thể tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, calci, nhiều khoáng chất khác và có thể gây loãng xương, sỏi thận.

  • Ăn nhiều muối sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Do đó ăn nhiều muối gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận.

  • Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư dạ dày. Ăn nhiều muối làm tăng ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.

  • Có rất nhiều nghiên cứu về sự tác động của muối đến cấu trúc AND là vật liệu di truyền của tế bào trong cơ thể. Viện Tim Phổi và Huyết Mạch Mỹ đã kết luận: Cấu trúc ADN có nguy cơ bị phá hủy nếu cơ thể tích trữ quá nhiều muối.

  • Ăn nhiều muối làm tăng suy thận do làm tăng protein trong nước tiểu và tăng gánh nặng cho thận.

  • Ngoài ra ăn thừa muối còn làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặt biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

  • Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống nhất là các loại nước ngọt.
 
Nguồn: trích từ cuốn Giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch - Viện Dinh dưỡng