Nghiên cứu vaccine COVID-19 ở phụ nữ mang thai và cho con bú

Cập nhật: 6/17/2021 - Lượt xem: 6107
Hiện dữ liệu về tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vaccine COVID-19 trong nhóm phụ nữ mang thai còn hạn chế, trong khi nhóm này lại có nhiều nguy cơ mắc bệnh và tử vong do COVID-19.

Nghiên cứu về vaccine cho phụ nữ mang thai còn hạn chế
 
Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng có nguy cơ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt, phải thở máy và khả năng tử vong cao hơn so với những phụ nữ khác trong độ tuổi sinh đẻ. Gia tăng sinh non và thai chết lưu cũng đã được quan sát thấy ở những thai kỳ phức tạp với COVID-19.
 
Các vaccine hiện tại được chứng minh là an toàn, hiệu quả cao ở những người không mang thai. Về lý thuyết, các rủi ro của việc tiêm vaccine COVID-19 trong thời kỳ mang thai và trong thời kỳ cho con bú là rất hạn chế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú nên được tiếp cận với các loại vaccine COVID-19 hiện có. Tại Mỹ, 11.087 phụ nữ mang thai đã được tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và cho con bú không được tiêm vaccine trong thử nghiệm pha 3, do đó dữ liệu về tính an toàn của vaccine và khả năng sinh miễn dịch ở nhóm này vẫn còn hạn chế.
 
 
Phát triển các đáp ứng kháng thể chống lại các biến thể SARS-CoV-2
 
Virus liên tục biến thể từ trình tự SARS-CoV-2 ban đầu. Biến thể D614G có khả năng lây nhiễm cao, đến biến thể B.1.1.7 có khả năng lây truyền cao hơn và biến thể B.1.351 còn có khả năng “trốn” miễn dịch tự nhiên... Do đó, trong nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá khả năng sinh miễn dịch của vaccine COVID-19 RNA thông tin (mRNA) ở phụ nữ mang thai và cho con bú, bao gồm cả khả năng chống lại các biến thể SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 103 phụ nữ từ 18-45 tuổi, được tiêm vaccine COVID-19 mRNA-1273 hoặc BNT162b2, từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Trong đó 30 người đang mang thai, còn lại là phụ nữ không mang thai hoặc đang cho con bú; 28 phụ nữ đã xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 (trong đó có 22 phụ nữ mang thai và 6 phụ nữ không mang thai).

Kết quả, sau liều vaccine thứ hai, sốt được ghi nhận ở 4 phụ nữ có thai, 7 phụ nữ cho con bú và 27 phụ nữ không mang thai. Các đáp ứng kháng thể liên kết, trung hòa và chức năng không trung hòa cũng như đáp ứng tế bào T CD4 và CD8 có ở tất cả những người tham gia. Các kháng thể liên kết và trung hòa cũng được thấy trong máu cuống rốn trẻ sơ sinh và sữa mẹ. Hiệu giá kháng thể liên kết và trung hòa chống lại các biến thể SARS-CoV-2 B.1.1.7 và B.1.351 đã giảm xuống, nhưng các phản ứng của tế bào T vẫn được duy trì trước các biến thể của virus.
 
Như vậy, việc nhận được vaccine COVID-19 mRNA có khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ mang thai và các kháng thể tạo ra từ vaccine đã được vận chuyển đến máu cuống rốn trẻ sơ sinh và sữa mẹ. Tính sinh miễn dịch đã được chứng minh ở tất cả phụ nữ tham gia và các kháng thể sau tiêm vaccine được tìm thấy trong máu dây rốn của trẻ sơ sinh và sữa mẹ. Những phụ nữ được tiêm vaccine có thai và chưa mang thai đã phát triển các phản ứng miễn dịch phản ứng chéo chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đang được quan tâm.

Việc phát hiện các kháng thể liên kết và trung hòa trong máu cuống rốn trẻ sơ sinh cho thấy việc truyền kháng thể mẹ qua nhau thai có hiệu quả. Việc tiêm phòng COVID-19 cho bà mẹ trong thai kỳ có thể mang lại những lợi ích tương tự cho trẻ sơ sinh không đủ điều kiện tiêm chủng. Tiêm phòng cũng tạo ra các kháng thể liên kết và trung hòa trong sữa mẹ, từ những người tham gia tiêm vaccine trong thai kỳ.

Dù kết quả khả quan, nhưng kết quả nghiên cứu này có một số hạn chế: Quy mô nghiên cứu nhỏ, do đó không thể đưa ra kết luận về tính an toàn và khả năng dung nạp vaccine trên diện rộng. Các mối tương quan giữa khả năng sinh miễn dịch và khả năng bảo vệ chống lại bệnh tật và nhiễm trùng COVID-19 vẫn chưa được xác định. Đây là một nghiên cứu thuần tập chứ không phải là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, khả năng tổng quát của các phát hiện có thể bị hạn chế. Các phản ứng miễn dịch được đánh giá trong một khoảng thời gian ngắn sau khi tiêm chủng. Vì vậy, cần tiếp tục có những nghiên cứu trong tương lai về vấn đề này.
 
Nguồn: Ngọc Sơn - Báo Sức khỏe & đời sống