I. ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ ĂN HỢP LÝ
Duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm
Người bệnh tiểu đường, bữa ăn phải có đầy đủ các chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Nhìn chung, người bệnh nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả ít ngọt như: táo, bưởi, ổi... bổ sung thêm thịt, cá, sữa, với lượng vừa phải. Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh. Một bữa ăn hỗn hợp gồm chất bột đường và nhiều chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau ăn.
- Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no.
- Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày và bổ sung đầy đủ các vitamin và muối khoáng.
Đối với những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục để giảm cân. Tuy nhiên, nên giảm cân từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột.
Đối với người gầy thì nên ăn thêm 1-2 bữa phụ để tăng cân, lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường thêm chất đạm hoặc chất béo.
Một số loại thức ăn mà người bệnh đái tháo đường nên tránh:
- Hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít...
- Các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, các loại thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh.
- Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên hay thịt xông khói cũng khiến đường huyết của người bệnh không ổn định trong mức an toàn.
- Hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.
- Hạn chế uống rượu, bia và giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp người bệnh duy trì sức khoẻ, tránh bị thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh đái tháo đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
Hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh đái tháo đường và cách chọn lựa thực phẩm phù hợp giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và giảm được nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
Để người bệnh tiểu đường dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm một số thực phẩm đã được chia theo nhóm chỉ số đường huyết:
- Thực phẩm có hàm lượng glucid ≤ 5%: người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, dưa hấu, nho ta, nhót chín... (sử dụng không hạn chế).
- Thực phẩm có hàm lượng glucid từ 10-20%: nên ăn hạn chế (một tuần có thể ăn 2-3 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín, sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan...)
- Thực phẩm có hàm lượng glucid ≥ 20%: cần kiêng hay hạn chế tối đa vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...).
Với người bị tiểu đường nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng Insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.
II. TRÁNH BỊ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
Đo đường máu mao mạch thường xuyên 1 trong những yếu tố quyết định điều trị thành công bệnh đái tháo đường.
Các biểu hiện lâm sàng của tăng đường máu thường ít hoặc mơ hồ, nhất là ở người bệnh đái tháo đường type 2, do đó việc theo dõi glucose mao mạch thường xuyên là biện pháp duy nhất để phát hiện các thời điểm tăng đường máu.
Hạ đường máu cũng tương tự, ở những người bệnh đái tháo đường lâu năm, các dấu hiệu báo động cũng mờ nhạt, chỉ theo dõi đường mao mạch thường xuyên mới giúp phát hiện sớm các cơn hạ đường máu.
Mặt khác, bệnh nhân đái tháo đường cần cố gắng duy trì đường máu ở mức càng gần bình thường càng tốt và nếu không đo đường máu thì không thể đạt được mục đích này. Kiểm tra đường máu thường xuyên, hàng ngày và điều chỉnh ngay chế độ ăn uống, thuốc men nếu kết quả đường máu là bất thường, trước khi bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng là biện pháp tối ưu nhất để đi đến thành công.
III. CÓ MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT TẠI NHÀ
Có máy đo đường huyết tại nhà
IV. ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ SỐNG: NGỦ, SINH HOẠT, STRESS
Duy trì một cuộc sống cân bằng, Tránh lo âu, căng thẳng; cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột và tránh xa các tác nhân gây stress. Đây đều là các tác nhân khiến việc kiểm soát đường huyết trở nên khó khăn, thậm chí làm tình trạng tăng đường huyết trở nên trầm trọng hơn.
V. ĐỂ THAY ĐỔI CÁC THÓI QUEN TÔI SẼ GẶP PHẢI NHỮNG KHÓ KHĂN GÌ?
Bệnh tiểu đường thường không thể khỏi hoàn toàn, nên quá trình điều trị là lâu dài và có thể kéo dài đến suốt đời. Do vậy cần phải kiên trì và tuân thủ chế độ điều trị. Việc thay đổi các thói quen có thể gây khó khăn ban đầu: việc ăn uống không theo khẩu vị có thể dẫn đến kém ngon miệng, sinh hoạt điều độ và lành mạnh có thể cản trở một vài thói quen và sở thích thông thường, việc thể tập thể dục hàng ngày là khó thực hiện ... Nhưng những thay đổi này là hoàn toàn có thể thích nghi được nếu kiên trì và thực hiện dần dần từng bước một và có thêm sự hỗ trợ của những người thân xung quanh. Cần hiểu rằng các thay đổi này không chỉ nhằm kiểm soát huyết áp mà còn đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, khiến cơ thể khỏe mạnh hơn và có tác dụng dự phòng cũng như điều trị nhiều bệnh phối h ợp khác nếu có.