Oxytocin Hormone hạnh phúc

Cập nhật: 8/2/2023 - Lượt xem: 1994

Oxytocin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên, đóng vai trò quan trọng trong việc xuống sữa mẹ và nhiều chức năng khác trong cơ thể. Nó làm tăng sự thư giãn, giảm căng thẳng, lo lắng, giảm huyết áp và gây ra các cơn co thắt cơ. Oxytocin cũng là hormone liên quan đến các mối quan hệ xã hội, gắn kết, tin tưởng và tình yêu.

Trong quá trình sinh nở, oxytocin khiến tử cung co bóp và tạo cơn co. Oxytocin còn được gọi là hormone làm mẹ, hormone liên kết, hormone chống căng thẳng và hormone tình yêu. Tựu chung có thể nói đây chính là hormone hạnh phúc, được sản sinh ra với niềm hạnh phúc được làm mẹ và niềm hạnh phúc khi nhìn thấy đứa con của mình khoẻ mạnh.

Tại sao Oxytocin lại quan trọng trong nuôi con bằng sữa mẹ

Có 2 loại hormone ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và bài tiết sữa giúp cho bà mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ, trong đó oxytocin đóng vai trò chính trong việc xuống sữa (tống sữa sẵn có từ các nang sữa) và hormone còn lại là Prolactin có vai trò trong sản xuất sữa mẹ. Khi trẻ bú vú mẹ, các xung động cảm giác sẽ truyền từ núm vú lên não và tiết ra hai loại hormone trên.

Trẻ ngậm bắt vú đúng cách khi bú mẹ sẽ kích thích giải phóng oxytocin từ não (thuỳ sau tuyến yên) của người mẹ. Oxytocin cho phép bé lấy sữa từ vú mẹ, và làm cho tử cung của người mẹ co lại sau khi sinh, chống băng huyết và đờ tử cung sau sinh. Mặc dù việc cho con bú có thể là một thách thức đối với một số bà mẹ do chưa có sữa, thì  oxytocin kích hoạt phản xạ xuống sữa và có thể thúc đẩy sự liên kết giữa mẹ và con, giúp việc cho con bú trở nên dễ dàng hơn.

Việc giải phóng oxytocin giúp người mẹ sau khi  cho con bú có cảm thấy buồn ngủ thư giãn. Nó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể của người mẹ và tạo nên cảm giác khát, nóng khi đang cho con bú. Người mẹ có cảm giác cương tức bầu vú  của mình  khi nghĩ đến việc cho con bú hoặc nghe thấy tiếng con khóc.

Liên kết giữa bé và mẹ

Việc giải phóng oxytocin xảy ra trong quá trình cho con bú giúp tạo nên sợi dây gắn kết tình cảm mạnh mẽ giữa người mẹ với con mình. Đây là hormone chịu trách nhiệm về cảm giác yêu thương tạo ra mong muốn muốn nuôi dưỡng và chăm sóc con của mình.

Tiếp xúc da kề da thường được khuyến khích ngay sau khi bà mẹ sinh con để giúp tăng giải phóng oxytocin. Điều này giúp em bé tìm kiếm và ngậm bắt  vú mẹ, tạo sự gắn bó chặt chẽ và tăng cơ hội bú mẹ thành công.

Giải phóng oxytocin và phản xạ xuống sữa

Oxytocin đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xuống sữa. Nếu người mẹ gặp vấn đề với việc cho con bú, nên đánh giá xem cơ thể người mẹ có thể giải phóng hormone này hay không?

Dấu hiệu giải phóng Oxytocin

Dưới đây là một số dấu hiệu của cơ thể biểu hiện oxytocin đang được giải phóng:

-   Cảm giác ngứa ran hoặc kim châm ở vú
-   Cơn co rút trong tử cung khi người mẹ cho con bú
-   Nghe thấy con nuốt khi đang  
-   Thấy sữa mẹ chảy ra từ hai bầu vú
-   Người mẹ cảm thấy vui vẻ và thư thái sau khi cho con bú

Các vấn đề thường gặp làm cản trở quá trình giải phóng Oxytocin

Một số tình trạng có thể cản trở việc giải phóng oxytocin, gây khó khăn cho việc cho con bú. Nếu người mẹ bị đau sau khi sinh con, đặc biệt là khi sinh mổ, cơn đau có thể cản trở việc giải phóng oxytocin.

Bất kỳ phẫu thuật  nào  ở vú, có liên quan đến quầng vú hoặc cắt các dây thần kinh xung quanh núm vú đều có thể gây khó khăn cho việc cho con bú. Các dây thần kinh ở quầng thâm núm vú cần thiết để truyền tín hiệu cho não giải phóng oxytocin và giúp sữa chảy ra. Bất kỳ tổn thương dây thần kinh nào ở khu vực đó đều có thể cản trở phản xạ xuống sữa

Căng thẳng, mệt mỏi, bệnh tật, sợ hãi, xấu hổ, uống rượu và hút thuốc đều có thể ảnh hưởng đến việc giải phóng oxytocin, cản trở phản xạ xuống sữa và khiến trẻ không nhận được sữa mẹ.    

Làm thế nào để kích thích giải phóng oxytocin

Có nhiều cách để kích hoạt sản xuất oxytocin, tạo phản xạ xuống sữa giúp  việc cho con bú.

-   Ôm con.
-  Xem ảnh của con khi không ở bên.
-   Thư giãn để giảm căng thẳng.
-   Tắm nước ấm hoặc chườm một miếng gạc ẩm và ấm lên vú.
-   Tiếp xúc trực tiếp da kề da với em bé trên ngực.
-   Nhẹ nhàng xoa bầu vú.
-   Tìm một khu vực yên tĩnh, thoải mái, tránh xa những phiền nhiễu.
-   Tránh uống rượu và hút thuốc.

Nếu người mẹ bị đau, có thể dùng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ, điều đó có thể giúp người mẹ cảm thấy thoải mái hơn và bắt đầu việc cho con bú sữa mẹ đúng lúc.

Oxytocin và cơn co tử cung

Khi trẻ bú mẹ, oxytocin được tiết ra, nó sẽ kích hoạt các cơn co thắt tử cung của người mẹ. Mặc dù trong vài ngày đầu sau khi sinh, những cơn co thắt tử cung có thể rất mạnh và gây đau đớn cho bà mẹ, nhưng cũng chính những cơn co  tử cung này giúp làm giảm chảy máu sau sinh và ngăn ngừa băng huyết, cho phép tử cung co lại trở về  kích thước bình thường.

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng lượng oxytocin trong cơ thể mẹ thay đổi trong một bữa bú, tùy theo thời gian , cách thức cho con bú và các yếu tố tâm lý của người mẹ. Khi bà mẹ và trẻ ở cùng nhau trước khi bắt đầu bú, mức đỉnh của oxytocin đã được quan sát thấy , thường là khi bà mẹ nghe thấy tiếng khóc đòi ăn của trẻ. Oxytocin sẽ tăng lên trong suốt thời gian cho con bú, thời gian một bữa bú không tương quan với mức oxytocin hoặc với lượng oxytocin được tiết ra. Tuy nhiên, có một mối tương quan chặt chẽ giữa lượng oxytocin được tiết ra bởi từng phụ nữ tại các thời điểm khác nhau trong thời kỳ cho con bú. Mức oxytocin cơ bản cao hơn ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn so sánh với nuôi con sữa mẹ một phần, và hormone này giảm đi sau khi cai sữa. Bởi vậy hãy giúp đỡ và tạo môi trường thuận lợi cho người mẹ có thể được nghỉ ngơi và giành nhiều thời gian cho con, đó là cách giúp duy trì hormone hạnh phúc, duy trì nguồn sữa mẹ, cho trẻ có được sự phát triển tối ưu.

(Tổng hợp, biên dịch)

BS. Ngô Thị Hà Phương – Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng

1. Oxytocin and Why It Is Important for Breastfeeding [Internet]. Verywell Family. [cited 2022 Aug 9]. Available from: https://www.verywellfamily.com/oxytocin-and-breastfeeding-3574977

2. Uvnäs Moberg K, Ekström-Bergström A, Buckley S, Massarotti C, Pajalic Z, Luegmair K, Kotlowska A, Lengler L, Olza I, Grylka-Baeschlin S, Leahy-Warren P, Hadjigeorgiu E, Villarmea S, Dencker A. Maternal plasma levels of oxytocin during breastfeeding-A systematic review. PLoS One. 2020 Aug 5;15(8):e0235806. doi: 10.1371/journal.pone.0235806. PMID: 32756565; PMCID: PMC7406087.