Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt theo quyết định số 1092/QĐ-TTg, ngày 02/09/2018. Chương trình hướng đến 3 mục tiêu cụ thể là: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 - 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tại lễ phát động, Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả ba yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh; ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.
Cùng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết TƯ tham gia kiểm tra, tư vấn sức khỏe tại Lễ Phát động, các cán bộ Viện Dinh dưỡng quốc gia đã xác định chỉ số nhân trắc, chỉ số khối cơ thể, đo khối mỡ, xác định tuổi sinh học, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn chế độ ăn cho khoảng 250 lượt đại biểu. Cán bộ Viện cũng đã cung cấp nhiều tài liệu truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là các chế độ dinh dưỡng dự phòng bệnh không lây nhiễm như chế độ ăn giảm muối, chế độ ăn phòng bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, và rối loạn lipid máu.