Thuốc giảm cân: Không phải ai thừa cân cũng có thể sử dụng

Cập nhật: 5/12/2021 - Lượt xem: 7777
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân và béo phì đã trở thành gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, khi tỉ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975, với 1,9 tỉ người lớn (tương ứng 39%) bị thừa cân và béo phì.
 
 

Chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người lớn, tính bằng trọng lượng của một người (theo kg) chia cho bình phương chiều cao của người đó (theo mét). Người lớn được xem là thừa cân khi chỉ số BMI = 25 kg/m2; và BMI = 30 kg/m2 là béo phì.

 
Đối tượng được chỉ định sử dụng thuốc
 

Thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, sau khi các biện pháp như tăng cường hoạt động thể lực, thay đổi lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân thất bại, thì việc dùng thuốc hỗ trợ kết hợp thêm là cần thiết để quản lý cân nặng. Tuy nhiên, đối tượng chỉ định của tất cả các loại thuốc giảm cân là bệnh nhân béo phì (BMI ban đầu = 30) hoặc bệnh nhân thừa cân có BMI = 27 kèm theo các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…). Bệnh nhân có BMI thấp hơn, đặc biệt là người không thừa cân, nhưng muốn giảm cân để có vóc dáng và hình thể đẹp, thì không nên tự ý dùng thuốc giảm cân. 

 

Thừa cân và béo phì đang có tỉ lệ ở mức báo động, là yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, đái tháo đường, cơ xương khớp và một số loại ung thư. Nhưng hiện tại không nhiều loại thuốc giảm cân được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Bởi chúng có những tác dụng không mong muốn. Đã có nhiều thuốc giảm cân bị buộc phải rút khỏi thị trường. Hơn nữa, thuốc giảm cân chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm cân bằng cách giảm lượng calo tiêu thụ là chính. Bệnh nhân béo phì hay những người muốn giảm cân vẫn phải thực hiện đồng bộ; tuân thủ nghiêm túc việc tập thể dục, chế độ dinh dưỡng cùng lối sống lành mạnh để chuyển hóa lượng mỡ thừa tích tụ mới có thể kiểm soát cân nặng bền vững về lâu dài. Thậm chí, tâm lý ăn uống thoải mái sau khi dùng thuốc có thể gây tác dụng ngược lại.

 

Các loại thuốc hỗ trợ giảm cân được cấp phép lưu hành hiện tại

 

- Orlistat: Đây là hoạt chất phổ biến trong hỗ trợ kiểm soát cân nặng cho người lớn. Thuốc có tác dụng ức chế enzyme lipase. Là enzyme tiêu hóa chất béo của dạ dày và tuyến tụy,  ngăn cản sự hấp thu chất béo bình thường của hệ tiêu hóa nhưng không hoàn toàn. Thuốc chỉ có tác dụng khi uống trong bữa ăn giàu chất béo, còn với chế độ ăn giàu carbohydrate (chất đường bột) thì thuốc không có tác dụng. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các tổn thương gan hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, dẫn đến tử vong hoặc phải ghép gan trên 13 trường hợp khi dùng thuốc này. Tuy nhiên kết, luận cuối cùng vẫn chưa đủ bằng chứng là do thuốc. Người sử dụng cần ngưng thuốc khi có bất kỳ triệu chứng nào của rối loạn chức năng gan như chán ăn, ngứa, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân có màu nhạt, đau hạ sườn phải… Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây sỏi thận, sỏi mật.

 

- Phentermine (có thể kết hợp topiramate): Là các hoạt chất thuốc kê đơn tác động trên hệ thần kinh trung ương, gây ra cảm giác chán ăn. Thuốc chỉ dùng trong thời gian ngắn dưới sự giám sát của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng cùng với các thuốc giảm cân liên quan tới tác động thần kinh khác vì các tác dụng không mong muốn nguy hiểm như: tăng áp động mạch phổi, tăng nhịp tim, bệnh van tim, rối loạn tâm thần. Chống chỉ định cho người có tiền sử bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, tăng huyết áp, loạn nhịp tim…) và tăng nhãn áp.

 

- Liraglutide: Là hoạt chất kê đơn dùng điều trị đái tháo đường type 2, nhưng cũng có chỉ định cho kiểm soát cân nặng dưới dạng bút tiêm dưới da, điều hòa đường huyết và tạo ra cảm giác no. Thuốc có nguy cơ gây viêm tụy cấp, hạ đường huyết quá mức và tăng nhịp tim.

 

- Setmelanotide: Hoạt chất đầu tiên được FDA cấp phép vào năm 2020 cho điều trị béo phì có nguyên nhân do các rối loạn hiếm gặp về gen.

 

Các hoạt chất từng được sử dụng nhưng nay đã bị cấm vì các tác dụng phụ nguy hiểm trên tim mạch, hệ thần kinh, gan, thận và khả năng gây ung thư: sibutramine, lorcaserin, fenfluramine, dexfenfluramine, phenolphthalein…

 

Thực phẩm chức năng giảm cân có là “thần dược”?

 

Trên thị trường hiện nay có vô vàn các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo xuất  xứ nguồn gốc thiên nhiên, có tác dụng giảm cân, thậm chí giảm cân “thần tốc”. Điều này đánh vào tâm lý e ngại thuốc của đa số người dùng. Cần nhấn mạnh rằng, dù có thật sự “tự nhiên” thì cũng không chắc chắn an toàn bởi một số chất trong thực vật hay động vật cũng có hoạt tính rất mạnh. Đa số có hiệu quả thấp, gần như không có tác dụng hoặc rất khó xác định.

 

Các thực phẩm chức năng ghi thành phần trên nhãn là hỗn hợp các loại dược liệu, thảo mộc. Chúng khó có thể mang lại hiệu quả giảm cân nhanh cho người dùng, vì vậy nhiều sản phẩm cố tình trộn các hoạt chất đã bị cấm lưu hành với hàm lượng cao để mang lại tác dụng tức thì. Việc giảm cân càng nhanh càng gây hại cho sức khỏe và gây nguy hiểm cho bạn vì cơ thể không kịp thích nghi. Một số loại thực phẩm chức năng có chứa thuốc lợi tiểu, dược liệu có tính nhuận tràng để làm giảm cân do mất nước, nhưng chỉ là tạm thời. Điều này gây tác hại khôn lường cho người dùng vì các tai biến tim mạch, suy gan, thận, căng thẳng, mất ngủ, uể oải... Tuyệt đối không sử dụng thêm bất kỳ loại thực phẩm chức năng giảm cân nào khi đang dùng thuốc giảm cân theo chỉ định của bác sĩ.

Kiểm soát cân nặng không cần thuốc hay thực phẩm chức năng  

Ngoại trừ số ít trường hợp thừa cân, béo phì do bệnh lý (rối loạn chuyển hóa, nội tiết, thần kinh...), còn lại là do sự mất cân bằng giữa lượng năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Giảm cân là một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Cho dù dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ nào thì bạn cũng cần phải nghiêm túc và kiên trì điều chỉnh lại chế độ ăn uống, luyện tập, cũng như lối sống hàng ngày để có thể kiểm soát cân nặng hiệu quả, bền lâu.

- Tích cực hoạt động thể lực: Ít nhất 30 phút mỗi ngày. Có thể chơi một môn thể theo yêu thích nào đó để tạo hứng thú, vừa đốt bớt lượng mỡ thừa vừa rèn luyện thể lực và sức khỏe.

- Chế độ ăn uống: Hạn chế tối đa chất béo, tinh bột và đường (chế độ low carb, ăn lượng ít nhưng không được kiêng hoàn toàn tinh bột). Sử dụng thực phẩm và phương pháp chế biến lành mạnh như luộc, hấp. Đường, đặc biệt là loại đường lỏng (sirô bắp giàu fructose - HFCS) trong các loại nước ngọt có ga, trà sữa là “thủ phạm” gây tăng cân, béo phì. Nên tăng lượng protein trong khẩu phần vì nó sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, tăng cường cơ bắp thay vì mỡ. Uống đủ nước hằng ngày, cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể thông qua rau, củ quả hoặc bổ sung chất xơ hòa tan. Trà xanh, cà phê hay nước bưởi có thể hỗ trợ bạn trong việc giảm vòng eo.

- Thay đổi lối sống: Stress, thức khuya, ngủ không ngon giấc có thể sản sinh các nội tiết tố (hormone), có tác dụng kích thích sự thèm ăn và gia tăng tích lũy mỡ. Vì vậy nên có giờ giấc sinh hoạt điều độ và khoa học. 

  DS. VĨNH PHÚ - Báo Sức khỏe & đời sống