An ninh lương thực hộ gia đình với vấn đề dinh dưỡng

Cập nhật: 10/13/2016 - Lượt xem: 4581

Bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế mà còn góp phần tích cực vào ổn định chính trị xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Trong đó, lúa gạo có vai trò rất quan trọng, hiện đang nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới, và càng quan trọng hơn đối với các nước châu Á-nơi sản xuất và tiêu dùng lúa gạo chủ yếu của Thế giới. 

Ở Việt Nam sản lượng lúa chiếm trên 90% sản lượng cây lương thực có hạt, liên quan đến việc làm và thu nhập của khoảng 80% số hộ nông dân. Lúa gạo cung cấp trên 60% năng lượng trong khẩu phần ăn của người dân Việt nam. Vì vậy cây lúa luôn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia của Việt nam.

Gần 30 năm qua, sản xuất và kinh doanh lúa gạo của Việt Nam có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp khoảng 2 lần, hiện nay năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha một vụ, riêng vụ Đông Xuân, nhiều nơi ở ĐBSCL và ĐBSH đã đạt 7 tấn/ha. Sản xuất lúa gạo phát triển, đã đưa Việt Nam từ một nước nhiều năm thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của thế giới.

Mặc dù vậy, sản xuất lương thực của Việt Nam, trong đó có lúa gạo, vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp ngày càng giảm, nguồn nước hạn chế, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần xuất ngày càng cao và khốc liệt hơn. Chính phủ Việt Nam xác định bảo đảm ANLT quốc gia lâu dài, trong mọi tình huống là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Cho đến nay đã có rất nhiều đinh nghĩa về ANLT và ANDD được đưa ra. Theo định nghĩa được chấp nhận nhiều hiện nay, ANLT được đảm bảo khi tất cả mọi người, mọi lúc, có tiếp cận được (vật lý và kinh tế) đầy đủ về thực phẩm an toàn và đảm bảo một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu thực phẩm và sở thích ăn uống của họ cho một cuộc sống năng động và khỏe mạnh. (Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực Thế giới, 1996). Lương thực (food) ở đây được định nghĩa là bất kỳ chất nào mà mọi người ăn và uống để duy trì cuộc sống và tăng trưởng. Như vây, "ANLT đạt được, nếu lương thực, thực phẩm thích hợp (số lượng, chất lượng, an toàn, phù hợp văn hóa xã hội) có sẵn và dễ tiếp cận và được sử dụng tốt bởi mọi cá thể, ở mọi lúc để sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc". Hay nói gọn hơn là thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu sinh lý về số lượng, chất lượng, an toàn và có thể chấp nhận được về mặt xã hội và văn hóa. Định nghĩa ANLT thực phẩm này nhấn mạnh “tính sẵn có”, “tính tiếp cận” và "Sử dụng" của lương thực, thực phẩm. Việc đưa vào sử dụng vào nhấn mạnh rằng "ANDD hơn là ANLT, thực phẩm".

Một thành phần quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong ANLT thực phẩm là chất lượng chế độ ăn uống. Ngay cả các hộ gia đình được tiếp cận với đủ lượng lương thực, thực phẩm và năng lượng vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu, làm tăng nguy cơ về sức khỏe cả trước mắt và lâu dài. Các can thiệp nhằm giải quyết chất lượng chế độ ăn uống và thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, kẽm, sắt là rất quan trọng để đạt được an ninh lương thực đầy đủ trong các quần thể dễ bị tổn thương.

Theo định nghĩa trên thì có thể khẳng định rằng ở tầm quốc gia, Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực thực phẩm nhưng chưa đảm bảo được một cách vững chắc ANLT thực phẩm cấp hộ gia đình và cá thể, đặc biệt là an ninh dinh dưỡng (ANDD).

Một nghịch lý rằng, suy dinh dưỡng phổ biến trong bối cảnh dư thừa lương thực là một thực tế trong vài thập kỷ qua và hiện tại đang đạt tỷ lệ đáng lo ngại. Rõ rang rằng, suy dinh dưỡng không bị loại bỏ chỉ bằng cách đơn giản là thông qua tăng lượng lương thực toàn cầu, của quốc gia hay khu vực. Tăng nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm không tự động tăng khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm của các nhóm nghèo trong xã hội. Chỉ có các biện pháp đảm bảo ANLT không thôi sẽ có tác động đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng của cá thể, trừ khi tăng cường các mối liên hệ giữa ANLT với chăm sóc sức khỏe, giảm bệnh tật, cải thiện điều kiện vệ sinh và tăng cường giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng.

Ở Việt Nam, theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 17,5% và suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) là 29,3%. Năm 2015, tỷ lệ SDD của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 14,1% và SDD thấp còi (chiều cao/tuổi) là 24,6%. Theo ước nước ta còn khoảng 2 triệu trẻ em SDD thấp còi. Kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 về vi chất dinh dưỡng cho thấy: 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (42.7- 45%) ở mức trung bình về YNSKCĐ (>20%). Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % (TE); 54,3% (PNCT) và 37,7% (PNTSĐ) các trường hợp thiếu máu. Thiếu sắt chiếm tỷ lệ 50,3 (trẻ em); 47,3% (PNCT) và 23,6% (PN TSĐ). Thiếu kẽm phổ biến ở trẻ em (69,4%), PNCT (80,3%), PNTSĐ (63,3%) ở mức nặng về YNSKCĐ. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở TE dưới 5 tuổi (13,0). Bà mẹ đang cho con bú có hàm lượng vitamin A sữa mẹ thấp (34,8%) ở mức nặng về YNSKCĐ.

Việt nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu mà hệ lụy của nó là hạn hán, bão lụt xẩy ra với tần suất này càng cao hơn và mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước, vệ sinh môi trường mà còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Bên cạnh đó ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xẩy ra thường xuyên; dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp ngày càng sút giảm cả diện tích lẫn chất lượng đất. Trước những thánh thức to lớn đó, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp thích hợp, có hiệu quả để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và an ninh dinh dưỡng của đất nước.

Với việc công bố Chiến lược ANLT, thực phẩm và Chiến lược QGDD giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ triển khai các biện pháp để làm giảm đáng kể tình trạng mất ANLT và cải thiện dinh dưỡng trong nước trong 10 năm tới.

Để thực hiện được các mục tiêu của Chiến lược ANLT thực phẩm và Chiến lược QGDD của Chính phủ, trong thời gian tới cần thực hiện các biên pháp sau đây:

1. Đảm bảo sẵn có lương thực, thực phẩm đủ số lượng thực phẩm với chất lượng thích hợp, cung cấp thông qua sản xuất trong nước. Đẩy mạnh công tác dự trữ LTTP ở nhiều cấp độ khác nhau để kịp thời đáp ứng như cầu LTTP của người dân trong mọi hoàn cảnh. Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất VAC tạo nguồn thực phẩm sẵn có tại hộ gia đình góp phần đa dạng hóa bữa ăn của người dân.

2. Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm lành, an toàn, đa dạng và giàu chất dinh dưỡng. Để cải thiện tiếp cận thực phẩm, các yếu tố chủ yếu là tăng cường cơ hội việc làm và tăng thu nhập và cải thiện cơ sở hạ tầng để người dân có thể tiếp cận tốt hơn nguồn LTTP sẵn có ngoài thị trường như giao thông, hệ thống chợ để mua bán, trao đổi.

Tuy nhiên, để tăng tiếp cận lương thực cho tất cả mọi người dân, các hoạt động ưu tiên hiện nay là tăng cường tiếp cận các yếu tố sản xuất, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp; cải thiện thị trường cho cả thực phẩm và sản phẩm phi thực phẩm; và chương trình tăng cường mạng lưới an toàn để đảm bảo tiếp cận lương thực của những người trong cộng đồng để họ có thể tiếp cận được thực phẩm thông qua những nỗ lực riêng của họ. Mở rộng cơ hội việc làm, đào tạo nghề, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, nâng cao hiệu quả của các thị trường trong nước, và cung cấp cho các nhu cầu của nhóm người dễ bị tổn thương nhất.

Bên cạnh giải pháp tăng thu nhập, một yếu tố quan trọng nữa là giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay điều kiện thời tiết trở nên “đỏng đảnh” hơn nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ANLT thực phẩm. Vì vậy chính sách giá cả linh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của người dân.

3. Đảm bảo cung cấp thực phẩm ổn đinh. Nhà nước cần có chính sách đối với công tác dự trữ LTTP ở cấp quốc gia. Hướng dẫn hộ gia đình trong công tác chế biến, dự trữ LTTP ở quy mô hộ gia đình nhằm tăng cường tiếp cận được nguồn ANLT phù hợp. Đặc biệt quan tâm đến các trường hợp bất thường như thiên tai, bão lụt hoặc khủng khoảng kinh tế hoặc các hiện tượng có tính chu kỳ như mất ANLT theo mùa. Các yếu tố mới tác động đến độ ổn định của nguồn cung lương thực cần được chú ý gồm:

Môi trường tự nhiên: tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước và hướng dẫn sử dụng nguồn nước không còn là vô tận trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay; tăng cường quản lý phân bón hợp lý, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ để cải tạo chất lượng đất nông nghiệp; tăng cường quản lý diện tích đất đai đảm bảo đến năm 2020, diện tích đất lúa 3,8 triệu ha như mục tiêu của chiến lược ANLT quốc gia đề ra để đảm bảo ANLT thực phẩm.

Có giải pháp thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và các biến động hàng năm và các tác động không thuận đối với ổn định sản lượng và tăng khả năng mất ANLT. Giải quyết vấn đề mất cân bằng sinh thái cũng là giải pháp mà Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới.

Chính sách thương mại có tác động mạnh mẽ đối với giá cả và sản lượng (có thể do thay đổi mùa vụ), đặc biệt là tác động tiêu cực đến ANLT ở nông thôn nếu như điều này làm giảm giá cả thực tế theo hướng bất lợi cho nông dân trong nước. Trong vấn đề này, vai trò của nhà nước là rất quan trọng. Cần cung cấp cho người nông dân có những thông tin kịp thời về giá cả, thị trường, nhằm tăng khả năng tiếp cận thong tin thị trường của họ. Hiện nay, chỉ có 25% nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường, một con số quá thấp.

4. Sử dụng thực phẩm thông qua chế độ ăn uống đầy đủ, nước sạch, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe để đạt được một trạng thái dinh dưỡng cũng là nơi mà tất cả nhu cầu sinh lý được đáp ứng. Điều này sẽ chỉ ra tầm quan trọng của yếu tố đầu vào trong ANLT thực phẩm. Cần xây dựng chính sách, chương trình và dự án để cải thiện ANLT thực phẩm ở cấp hộ gia đình và dịch vụ y tế tốt hơn, cung cấp nước, vệ sinh môi trường và chăm sóc trẻ em, các yếu tố ảnh hưởng không chỉ là tình trạng dinh dưỡng của cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tình trạng đói nghèo chung của họ. Tăng cường công tác giáo dục kiến thức về dinh dưỡng hợp lý để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng cân đối hợp lý và đảm bảo an toàn thực phẩm trong ăn uống.

5. Khẩn cấp: Cần có kế hoạch đối phó trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, thảm họa để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân thông qua hệ thống dự trữ quốc gia, khi mà không thể mua sắm, cung cấp vật phẩm thiết yếu thông qua thương mại bình thường./.

Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng