Cách đọc nhãn dinh dưỡng và xây dựng chế độ ăn hợp lý

Cập nhật: 12/13/2024 - Lượt xem: 363

Nhãn dinh dưỡng được hiểu nôm na là những thông tin về dinh dưỡng được thể hiện bằng số, bằng chữ hoặc hình ảnh, ký hiệu được ghi trên nhãn của các loại thực phẩm bao gói sẵn. Thông tin dinh dưỡng phổ biến thường được người tiêu dùng tiếp cận là bảng thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được ghi ở mặt sau hoặc mặt bên của sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ về các thành phần dinh dưỡng, năng lượng và các chất quan trọng có trong thực phẩm mà mình tiêu thụ. Việc đọc hiểu nhãn dinh dưỡng giúp người dùng lựa chọn thực phẩm lành mạnh, góp phần kiểm soát chế độ ăn uống và bảo vệ sức khỏe.

Năm 2023, Bộ Y tế đã có quy định về cách ghi thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm. Theo đó, các thực phẩm bao gói sẵn được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam thực hiện ghi năng lượng (kcal), chất đạm (g), carbohydrat (g), chất béo (g), Natri (mg). Thông tin các thành phần dinh dưỡng được biểu thị trong 100g hoặc 100ml thực phẩm hoặc trong một khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn hoặc theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố. Nhãn dinh dưỡng có thể biểu thị thêm phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu đối với các thành phần dinh dưỡng hàng ngày.

  Lý do tại sao cần phải đọc nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm?

Trước hết, ăn uống là một trong những quyền tự nhiên của mỗi con người. Theo Điều 25 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, "mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ cho sức khỏe và hạnh phúc của bản thân và gia đình, bao gồm thức ăn, quần áo, nhà ở...". Do đó, việc ghi nhãn thực phẩm giúp công bố các thông tin về dinh dưỡng, đảm bảo quyền được biết thành phần thực phẩm, thành phần dinh dưỡng mà người đó ăn vào cơ thể. Hơn thế nữa, đọc nhãn dinh dưỡng còn góp phần phòng chống, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, ung thư thông qua việc kiểm soát lượng calo và dinh dưỡng trong mỗi phần ăn họ tiêu thụ.

Vậy người tiêu dùng nên đọc nhãn dinh dưỡng và hiểu nhãn dinh dưỡng như thế nào để có thể ứng dụng, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho bản thân mình? Bài viết này sẽ hướng dẫn cách đọc thông tin cần thiết trên Bảng thông tin dinh dưỡng được công bố trên nhãn sản phẩm.

Cách đọc nhãn dinh dưỡng

Bước 1: Xác định vị trí của nhãn dinh dưỡng. Nhãn dinh dưỡng nằm ở mặt sau hoặc bên cạnh của bao bì sản phẩm, gồm có bảng thông tin dinh dưỡng, danh sách thành phần thực phẩm, và thông tin về khẩu phần.

Bước 2: Xác định lượng sản phẩm công bố giá trị dinh dưỡng. Thông tin này thường được hiển thị ngay trên bảng các thông tin dinh dưỡng. Thông thường các thông tin và gía trị dinh dưỡng được tính trên 100ml hay 100 gam hay một khẩu phần (serving) của sản phẩm, có một vài trường hợp được tính trên cả gói sản phẩm đó. Bởi vậy khi tiêu thụ sản phẩm, cần đặc biệt chú ý tới lượng tiêu thụ để tính toán được năng lượng hay lượng các chất dinh dưỡng thực chất chúng ta đưa vào cơ thể. Một sản phẩm bao gói sẵn có thể bao gồm nhiều khẩu phần khác nhau, ví dụ một hộp cà phê sẽ bao gồm nhiều gói riêng biệt (1 gói là 1 khẩu phần) hoặc một hộp bánh có thể bao gồm nhiều bánh đóng riêng biệt (1 cái bánh là một khẩu phần). Lưu ý đây là một bước hết sức quan trọng để tính toán được năng lượng và giá trị các chất dinh dưỡng mà chúng ta tiêu thụ.

Bước 3: Xác định năng lượng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được công bố.

Năng lượng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được công bố trên lượng sản phẩm đã xác định tại bước 2.

Một số thông tin và giá trị dinh dưỡng cần quan tâm như sau:

Năng lượng: Đây là năng lượng mà người tiêu dùng sẽ nhận được từ 100 ml hoặc 100 gam hoặc một khẩu phần đã xác định ở bước 2. Nếu trong trường hợp đang theo dõi calo để giảm cân, duy trì cân nặng, hoặc tăng cân, đây là thông tin quan trọng nhất mà cần phải quan tâm trên nhãn dinh dưỡng.

Chất đạm (protein): Protein cần thiết cho cơ thể, đặc biệt cho sự phát triển cơ bắp và tái tạo mô. Lượng protein khuyến nghị hàng ngày là khoảng 1-2g protein cho mỗi kg cân nặng cơ thể.

Carbohydrate (Chất bột đường): bao gồm  Chất xơ (Dietary Fiber): Quan trọng cho hệ tiêu hóa, khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng cho người trưởng thành Việt Nam là 19-38g chất xơ mỗi ngày, tùy độ tuổi và giới tính.

Đường tổng số: Đường (Sugars) trong sản phẩm bao gồm đường tự nhiên có sẵn trong thực phẩm và đường thêm vào (Added Sugars) được đưa vào trong quá trình chế biến sản phẩm. Nên giảm đường thêm vào để tránh nguy cơ đái tháo đường và béo phì. Theo quy định ở Việt Nam, thông tin trên nhãn chỉ thể hiện lượng đường tổng với nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và thực phẩm cho thêm đường khác.

Chất béo (Total fat) có trong thực phẩm.

  • Chất béo toàn phần (Total Fat): Bao gồm tất cả các loại chất béo.
  • Chất béo bão hòa (Saturated Fat): Nên hạn chế vì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Chất béo chuyển hóa (Trans Fat): Cần tránh hoàn toàn nếu có thể vì chúng không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
  • Chất béo không bão hòa (Unsaturated Fat): Có lợi cho tim mạch, nên chọn các sản phẩm chứa loại chất béo này.

Theo quy định tại Việt Nam, chất béo toàn phần là thông tin bắt buộc phải ghi nhãn trên tất cả các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn, còn các thông tin về chất béo bão hoà chỉ phải ghi nhãn bắt buộc với các thực phẩm chiên rán và chất béo chuyển hoá. Bởi vậy có thể xẩy ra trường hợp, mặc dù trên nhãn không ghi lượng chất béo bão hoà (một loại chất béo được coi là không tốt với sức khoẻ), không có nghĩa là thực phẩm đó không chứa chất béo bão hoà.

Natri (Sodium). Natri là thủ phạm chính làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh, hay biến chứng khác có liên quan tới cao huyết áp. WHO khuyến nghị không vượt quá 2000 mg natri mỗi ngày. Chúng ta nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng natri ít hơn 120 mg tính trên một khẩu phần của sản phẩm, đây là những thực phẩm được coi là ít muối theo phân loại của các nước thuộc liên hiệp Châu Âu (EU).

Các vitamin và khoáng chất. Các vi chất như canxi, sắt, vitamin A, C, ... thường sẽ được biểu diễn theo phần trăm giá trị dinh dưỡng hàng ngày (%DV), %DV từ 5% trở xuống là thấp, và 20% trở lên là cao. Đây là cách để đánh giá nhanh mức độ dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với các loại thực phẩm nhập khẩu thì nhãn dinh dưỡng thường có các chỉ tiêu này, trong khi các thực phẩm nội địa thường ít khi ghi nhãn đối với nhóm vitamin và khoáng chất. Hiện tại theo quy định tại Việt Nam chưa bắt buộc ghi %DV trên bảng thông tin dinh dưỡng.

Ví dụ bảng thông tin dinh dưỡng tính trên 100 g sản phẩm

Với hình ảnh bảng thông tin dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm bên trên, thông tin và giá trị các chất dinh dưỡng trong sản phẩm được tính trên 100 g sản phẩm.
 

Minh hoạ các bước đọc bảng thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm

Đặc biệt người tiêu dùng cần lưu ý, những thông tin về giá trị dinh dưỡng được công bố trên nhãn là những thông tin trên một lượng sản phẩm được xác định (100 ml hoặc 100 gam hoặc một khẩu phần). Năng lượng và giá trị các chất dinh dưỡng thực tế đưa vào cơ thể được tính toán dựa trên lượng thực phẩm thực tế  mà chúng ta tiêu thụ.

Cân nhắc lựa chọn thực phẩm với các thông tin trên nhãn dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn cá nhân hợp lý

Chúng ta lưu ý tính toán calo và giá trị dinh dưỡng của các chất dựa trên lượng thực phẩm thực tế chúng ta dùng. Ưu tiên chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường, đây là những thành phần có thể góp phần vào tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì. Chọn thực phẩm có chất xơ và protein cao giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt và giúp cảm giác no lâu, rất có lợi cho người muốn duy trì cân nặng. Ưu tiên thực phẩm có vitamin và khoáng chất cao (%DV > 20%) để cung cấp dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt với những người có nhu cầu dinh dưỡng cao như người cao tuổi hoặc phụ nữ có thai.

Đối với người bệnh tăng huyết áp

Chỉ số quan trọng cần kiểm tra bao gồm Natri (Sodium) và chất béo bão hòa (Saturated Fat) và chất béo chuyển hóa (Trans Fat): Chọn sản phẩm có hàm lượng Natri thấp, (dưới 120 mg tương đương 300 mg muối cho mỗi khẩu phần theo Quy định 1924/2006 về gắn nhãn dinh dưỡng và công bố có liên quan đến sức khoẻ trên thực phẩm tại các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU)). Tốt nhất nên lựa chọn có hàm lượng muối thấp hoặc không thêm muối, đây là những thực phẩm có gắn nhãn “low sodium” hoặc “no salt added” theo quy định của một số nước trên thế giới (hiện tại chưa có quy định tại Việt Nam). Nên chọn thực phẩm chứa ít hoặc không có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa vì chúng có thể làm tăng áp lực máu và nguy cơ xơ vữa động mạch. Ưu tiên các sản phẩm giàu kali, canxi, và chất xơ vì chúng giúp kiểm soát huyết áp. Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, và đồ đóng gói vì thường có lượng muối cao.

Đối với người bệnh đái tháo đường

Chỉ số quan trọng cần kiểm tra là Carbohydrate tổng, đường thêm vào (nếu có, đây là chỉ tiêu bắt buộc ở một số thực phẩm nhập khẩu, nhưng là tiêu chí không bắt buộc ghi nhãn tại Việt Nam) và chất xơ. Người bị đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý lượng carbohydrate, đặc biệt là đường thêm vào, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu, ưu tiên các thực phẩm có chỉ số glycemic thấp, giúp duy trì mức đường huyết ổn định. Chọn sản phẩm có ít hoặc không có đường thêm vào, nên chọn thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao (>3g chất xơ mỗi khẩu phần) vì chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Tránh các loại đồ uống có đường và bánh kẹo công nghiệp vì chúng dễ gây tăng đường huyết nhanh chóng.

Đối với người bệnh bị các bệnh tim mạch

Chỉ số quan trọng cần kiểm tra bao gồm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, Cholesterol, Natri. Cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, vì chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Chọn thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp đồng thời kiểm soát lượng muối, vì natri cao có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và làm tăng áp lực lên tim. Cân nhắc lựa chọn thực phẩm có chất béo không bão hòa (như omega-3 từ cá, dầu thực vật). Ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh.

Đối với người bệnh thận

Khi mua thực phẩm bao gói sẵn, cần kiểm tra thông tin về Natri, Protein, Kali (Potassium) và Phospho (Phosphorus) để kiểm soát lượng muối để giảm gánh nặng cho thận. Trong trường hợp được bác sĩ khuyến nghị, người bệnh thận có thể cần hạn chế protein để tránh tích tụ chất thải trong máu. Đối với kali và phốt pho, nhãn dinh dưỡng có thể không ghi rõ hai chất này, vì vậy cần hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng khi lựa chọn thực phẩm. Người có các bệnh thận cần cân nhắc lựa chọn thực phẩm tươi, chưa qua chế biến để giảm muối và phụ gia, tránh các loại đồ uống thể thao, thực phẩm chức năng giàu kali, và các loại đậu, sữa giàu Phospho nếu bác sĩ yêu cầu.

Đối với người bệnh béo phì

Chỉ tiêu dinh dưỡng đầu tiên cần quan tâm là calo (calories) để quản lý cân nặng, tiếp đó là đường (tổng đường và đường thêm vào nếu có) và chất béo không lành mạnh. Để hạn chế hai thành phần này nên chọn sản phẩm có ít đường và chất béo bão hòa, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ. Cần tính toán tổng lượng calo từ các khẩu phần ăn, căn cứ trên năng lượng ghi nhãn.

Việc đọc nhãn dinh dưỡng đối với từng loại bệnh cụ thể là một phần quan trọng trong quản lý chế độ ăn uống để kiểm soát và giảm thiểu triệu chứng, cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe. Việc đọc nhãn dinh dưỡng có chú ý tới từng loại bệnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát chặt chẽ lượng chất dinh dưỡng, tránh các chất gây hại và bổ sung các chất có lợi. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi điều chỉnh chế độ ăn cho từng tình trạng sức khỏe.

Việc đọc nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm không chỉ giúp hiểu rõ hơn về các thành phần có trong sản phẩm mà còn giúp kiểm soát chế độ ăn của mình, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết và hạn chế các thành phần không có lợi cho sức khỏe., từ đó góp phần xây dựng chế độ ăn hợp lý để phòng bệnh, quản lý bệnh tốt hơn.

TS. BS. Hoàng Thị Đức Ngàn – Viện Dinh dưỡng Quốc gia