Bảo đảm ngân sách cho công tác dinh dưỡng học đường

Cập nhật: 12/12/2024 - Lượt xem: 521

Từ thực tiễn địa phương, tỉnh Lào Cai kiến nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động dinh dưỡng học đường trong các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa đổi các quy định liên quan như Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú…

Sáng 11.12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ - Trưởng Đoàn khảo sát chủ trì cuộc làm việc.

 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát với
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai sáng 11.12
 

Ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ

Theo báo cáo, toàn tỉnh Lào Cai có 468 trường có trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, chiếm 80,1% tổng số trường mầm non, phổ thông, với 121.454 học sinh, chiếm 52,45%. Trong đó, có 213 trường tổ chức ăn bán trú buổi trưa (học sinh đi đến trường và trở về trong ngày), với 38.554 học sinh, chiếm 16,65%; có 255 trường tổ chức ăn, ở tại trường (học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày), với 82.900 học sinh, chiếm 35,8%.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Bích Nguyệt khẳng định, công tác dinh dưỡng học đường luôn được địa phương rất quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ truyền thông đến việc tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt mô hình dinh dưỡng học đường gắn với bữa ăn bán trú, tạo điều kiện cho học sinh phát triển thể chất toàn diện.

 
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung báo cáo làm rõ một số vấn đề
Đoàn khảo sát quan tâm
 

Nhiều đơn vị sáng tạo các mô hình dinh dưỡng học đường như: Trường THCS&THPT huyện Bát Xát có mô hình “Tăng cường dinh dưỡng học đường thông qua trồng trọt, chăn nuôi của học sinh bán trú”; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng triển khai nhân rộng mô hình “Trường học xanh - dinh dưỡng an toàn”. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện mô hình “Trồng một cây, nuôi một con”, “Vườn cây trong trường học”, “Dinh dưỡng cho bé”; phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức “Bữa ăn dinh dưỡng” 1 lần/tuần…

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Nổi bật là Nghị Quyết số 15/NQ/2023-HĐND ngày 13.11.2023 hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh và cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ trẻ em từ 24 tháng trở lên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

 
 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Bích Nguyệt báo cáo Đoàn khảo sát
 

Ngoài ra, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân tham gia góp sức nâng cao chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Nhờ có các chính sách kịp thời và sự chung tay của toàn xã hội, dinh dưỡng cho trẻ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được cải thiện rõ rệt”, bà Dương Bích Nguyệt khẳng định.

Đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú

Tuy nhiên, bà Dương Bích Nguyệt cho rằng, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh/tháng còn thấp, rất khó khăn để cân đối khẩu phần ăn, dinh dưỡng hằng ngày cho học sinh ăn 3 bữa/ngày.

Hầu hết trường học có số lượng lớn học sinh nội trú, bán trú và có học sinh bán trú từ lớp 1, rất khó khăn việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên kiêm nhiệm quản lý học sinh bán trú hằng ngày 24/24h còn thấp.

Nhiều trường học vẫn sử dụng bếp ăn tạm bợ, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ nhân viên y tế, quản lý dinh dưỡng còn thiếu nên gặp khó khăn trong quản lý, triển khai về công tác dinh dưỡng học đường.

 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa quan tâm tới
các mô hình dinh dưỡng học đường cũng như việc thí điểm phổ cập mầm non
cho trẻ 4 tuổi tại Lào Cai
 

Từ thực tiễn tại địa phương, Lào cai đề nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động dinh dưỡng trong các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện chiến lược ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh
 phát biểu tại cuộc làm việc
 

Trong đó, bổ sung đối tượng trẻ nhà trẻ được hỗ tiền ăn và tăng mức hỗ trợ từ 160.000 đồng/trẻ/tháng lên 250.000 đồng/trẻ/tháng (tương đương với tăng mức lương cơ sở). Bổ sung đối tượng học sinh bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tiền ăn.

Mở rộng đối tượng học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, bảo đảm công bằng cho học sinh sau THCS. Tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú lên 60% mức lương cơ sở/tháng/học sinh; không quy định tối đa 5 lần định mức cấp dưỡng/trường.

 
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Lưu Thị Hiên cho biết,
tỉnh luôn quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục với các chính sách riêng,
trong đó có dinh dưỡng học đường, nhưng do nguồn lực hạn chế
nên chưa đáp ứng yêu cầu
 

Lào Cai cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế Chương trình giáo dục dinh dưỡng học đường từ cấp học mầm non đến phổ thông; đồng thời cho Lào Cai được tiếp cận các mô hình bữa ăn học đường thành công trên thế giới như chương trình bữa ăn học đường tại Nhật Bản…

Tiếp tục quan tâm, có chính sách phù hợp

Đoàn khảo sát ghi nhận, tuy là một tỉnh còn khó khăn nhưng Lào Cai đã quan tâm, có nhiều cố gắng, nỗ lực, ban hành các chính sách riêng để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh nói riêng, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em nói chung.

Quang cảnh cuộc làm việc
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh trẻ em là tương lai của dân tộc, không quan tâm chăm lo cho giai đoạn đầu đời của trẻ sẽ gây hệ lụy cho cả thế hệ. “Trong chăm sóc trẻ em, dinh dưỡng là khâu rất quan trọng; đề nghị Lào Cai tiếp tục quan tâm có chính sách phù hợp. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cao nhất có thể cho dinh dưỡng học đường; hỗ trợ chính sách cho nhân viên phục vụ nấu ăn trong trường học…”.

Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác truyền thông, để học sinh, phụ huynh và xã hội nhận thức được vai trò quan trọng của dinh dưỡng, từ đó thay đổi hành vi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp tốt giữa các sở, ngành để bảo đảm hiệu quả công tác dinh dưỡng học đường, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.