Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát mô hình điểm 1.000 ngày vàng tại Bát Xát, Lào Cai

Cập nhật: 11/19/2023 - Lượt xem: 8033
Từ ngày 30/10 – 4/11/2023, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khảo sát tại 3 xã Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Cốc Mỳ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai về việc triển khai mô hình điểm chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời.
 
Đây là hoạt động dinh dưỡng trong Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719).
 
1000 ngày đầu đời hay còn gọi là 1000 ngày vàng trong cuộc đời của một đứa trẻ (tức là từ khi thụ thai đến hai tuổi) là cơ hội để thiết lập nền tảng cho sự thành công trong học tập, sức khỏe và hạnh phúc nói chung của một đứa trẻ. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn dễ bị thấp còi.
 
Phỏng vấn kiến thức bà mẹ có con nhỏ tại xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
 
1000 ngày vàng chính là thời điểm từ lúc bà mẹ mang thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đây được coi là cơ hội và là nền tảng cho sức khỏe và sự phát triển tối ưu trong suốt tuổi thọ của trẻ được thiết lập. Chế độ 1000 ngày đầu rất quan trọng phòng tránh được các bệnh viêm phổi, HIV, lao và tiêu chảy.

Trong thời gian 1000 ngày, có khoảng một phần ba số trẻ em dưới 3 tuổi bị thấp còi, một dạng bệnh mạn tính suy dinh dưỡng. Ảnh hưởng của việc thấp còi kéo dài suốt đời, dẫn đến suy giảm sự phát triển của não bộ, IQ thấp hơn, hệ thống miễn dịch suy yếu và nguy cơ mắc bệnh sau này cao hơn.

Tại Lào Cai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã lựa chọn 03 xã vùng III của huyện Bát Xát để triển khai thí điểm mô hình. Tại các xã được lựa chọn, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng, đề xuất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp họ gia đình, tập trung vào các cây con giúp cải thiện dinh dưỡng bà mẹ trẻ em. Tập huấn dinh dưỡng cho cán bộ y tế, phụ nữ thôn bản. Thành lập và vận hành các CLB dinh dưỡng tại thôn bản.

Với mục tiêu sau khi triển khai thí điểm sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gày còm dưới 5%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 15%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 27%.
 
Bảo Hưng - Báo Sức khỏe & đời sống