Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam

Cập nhật: 10/27/2023 - Lượt xem: 24341

Ngày 20/10/2023 tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam". Tham dự Hội thảo trực tiếp có 190 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, một số trường Đại học Y, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, một số phòng Giáo dục và đào tạo quận/huyện TP. Hà Nội, Trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở tại TP. Hà Nội, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Hội Tiết chế dinh dưỡng Việt Nam, Hội nữ Tri thức Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Tiết chế Nhật Bản, Quỹ Ajinomoto, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Đại học tỉnh Niigata, Đại học Jumonji – Nhật Bản, một số đại biểu thuộc tổ chức quốc tế tại Việt Nam (UNICEF, WHO, A&T, Save the Children, Child Fund, tổ chức SUN CSA Vietnam, Trung tâm C&E, Rikolto, WB).

Đặc biệt, tham gia hội nghị trực tuyến (ONLINE) còn có 282 đại biểu của 135 đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, 8 trường đào tạo cử nhân dinh dưỡng của Việt Nam và Trường Jumonji Nhật Bản.

Mục tiêu của Hội thảo là Chia sẻ thực trạng về hoạt động Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam; Học tập các kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản về hoạt động Dinh dưỡng học đường tại Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo PGS. TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và học sinh tại Việt Nam đã và đang đối diện với gánh nặng kép về dinh dưỡng: tỷ lệ thừa cân béo phì nhiều hơn suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị và nông thôn, ở khu vực miền núi thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & đào tạo cũng đã phối hợp trong việc xây dựng các hướng dẫn, thông tư, tài liệu và thực đơn về bữa ăn học đường. Việc triển khai bữa ăn học đường được thực hiện ở hầu hết các trường mầm non, tuy nhiên còn nhiều hạn chế và khó khăn trong công tác tổ chức và chất lượng bữa ăn học đường tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc.

Trình bày tại Hội thảo, PGS,TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020), đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 24,2% xuống 12,2% (ở nhóm 5 đến 10 tuổi); suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8% (trẻ từ 5 đến 19 tuổi)… thì thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% lên 19% (nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi).

Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện của Hà Nội được thực hiện năm 2023 cho thấy các trường tại các quận nội thành tỷ lệ thừa cân, béo phì dao động từ 45,5% đến 55,7%. Còn các huyện ngoại thành là từ 20,9% đến 31,1%.

Hội thảo đã chia sẻ thông tin về các chương trình quốc gia về dinh dưỡng, sức khỏe học đường của Việt Nam, mô hình điểm của Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025" (Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) về dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng; phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng; mô hình thử nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng trong dạy học môn giáo dục thể chất tại một số trường tiểu học ở Việt Nam. Các mô hình thử nghiệm đã bước đầu mang lại một số kết quả tốt để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) bày tỏ  rất quan ngại, vấn đề dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển tầm vóc, sức khỏe khi các em trưởng thành. Giáo dục dinh dưỡng trong trường học cần sự thay đổi căn bản về kiến thức, thái độ, thực hành của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cao hơn là phụ huynh, học sinh. Tạo hệ sinh thái đa dạng phù hợp cho từng vùng miền, điều kiện kinh tế.

Đại diện trường Đại học Niigata và trường tiểu học Momoyama thành phố Niigata đã chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục dinh dưỡng ở Nhật Bản, các hoạt động của giáo viên dinh dưỡng để phòng và kiểm soát thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; tổ chức giáo dục dinh dưỡng tại các cấp học giúp học sinh có kiến thức và thực hành tốt bữa ăn dinh dưỡng hợp lý tại trường học và ở nhà; chia sẻ về Luật bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng được thực hiện cho các cấp học tại Nhật Bản; chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của cử nhân dinh dưỡng tiết chế trong bữa ăn trường học và giáo dục dinh dưỡng cho học sinh.

Các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng học đường và giáo dục dinh dưỡng ở Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu xây dựng chính sách, phát triển nguồn lực, đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn học đường; truyền thông giáo dục dinh dưỡng học đường; giám sát tình trạng dinh dưỡng học sinh; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt công tác dinh dưỡng học đường góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Một số hình ảnh tại Hội thảo
  
    
 
 
    
   
    
 
 
    
  

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng