Đồ uống lành mạnh cho công nhân xây dựng

Cập nhật: 12/8/2023 - Lượt xem: 310

Nước có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người, nước chiếm 55-60% trọng lượng cơ thể người trưởng thành nam và 50% trọng lượng người trưởng thành nữ [1]. Thiếu nước dẫn tới hiện tượng mất nước, đây là tình trạng không đủ nước để thực hiện các chức năng bình thường của cơ thể. Công nhân xây dựng thường làm việc với cường độ cao, thời gian dài, đặc biệt một số công nhân làm trong môi trường thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, oi bức… thì  việc cung cấp đủ nước là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho họ trong suốt quá trình làm việc.

Theo nhu cầu khuyến nghị lượng nước cho người Việt Nam dựa theo cân nặng, tuổi và hoạt động thể lực thấy rằng nhóm tuổi lao động từ 19-55 tuổi với hoạt động thể lực trung bình thì nên uống 35ml/kg thể trạng/ngày. Ví dụ: 1 người công nhân có độ tuổi 19 đến 55 với cân nặng là 65kg thì nên uống lượng nước mỗi ngày là 2,275lít (65 x35ml= 2275ml) [1]. Chúng ta nên chia đều lượng nước uống rải rác trong ngày, không nên uống một lượng lớn trong 1 lần uống. Nếu uống quá nhiều trong 1 lần sẽ có nguy cơ ngộ độc nước vì thận sẽ không thể loại bỏ kịp lượng nước dư thừa gây ra hiện tượng giảm nồng độ natri trong máu tức là hàm lượng natri trong máu trở nên loãng. Điều này được gọi là hạ natri máu và đe dọa tính mạng nếu không được nhân viên y tế xử trí kịp thời [2]. Hiện tượng ngộ độc nước rất hiếm gặp nhưng vẫn xẩy ra khi một số đối tượng sau khi huấn luyện quân đội, tập luyện thể dục thể thao, lao động nặng uống quá 5 lít nước trong vài giờ dẫn tới tử vong. Do đó theo khuyến cáo không nên uống quá lượng nước 1 đến 1,5l mỗi giờ [3].

Trong quá trình lao động người công nhân xây dựng cần chú ý các dấu hiệu về tình trạng nước trong cơ thể:

Dấu hiệu cơ thể đủ nước:

- Hiếm khi cảm thấy khát.

- Nước tiểu không màu hoặc có màu vàng nhạt.

Dấu hiệu cảnh báo mất nước:

- Nước tiểu có màu vàng đậm.

- Suy nhược, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc lú lẫn.

Dấu hiệu cảnh báo ngộ độc nước:

- Rối loạn chức năng não.

- Lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu.

- Tăng huyết áp.

- Nhịp tim chậm.

Công nhân xây dựng thường cần nhiều nước hơn người bình thường do họ mất lượng nước nhiều qua tuyến mồ hôi. Vì vậy, lượng nước uống sẽ căn cứ vào mức độ hoạt động thể lực, sức nóng và cảm giác của mỗi người. Cách tốt nhất để giữ nước là thường xuyên uống nước trong ngày, tăng lượng nước uống trong thời gian lao động nặng hoặc làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhiệt độ cao.

Theo Viện quốc gia về An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ người công nhân xây dựng cần: [4]

Trước khi bắt đầu làm việc: cần bổ sung nước giúp dễ dàng giữ nước trong quá trình làm việc. Theo kết quả nghiên cứu trên công nhân xây dựng cho thấy những công nhân trước khi bắt đầu làm việc được cung cấp đủ nước có khả năng duy trì mức độ  giữ nước tốt trong ca làm việc [5].

 
Hãy uống nước trước khi cảm thấy khát!

Trong khi làm việc: Nên uống nước trước khi cảm thấy khát. Mất nước là nguyên nhân gây nên kiệt sức vì nóng. Hiệu suất làm việc của có thể bị ảnh hưởng khi cơ thể bị mất nước. Với người công nhân làm việc dưới môi trường nắng nóng với thời gian ngắn nên uống 1 cốc nước mát (khoảng 250ml) sau mỗi 15-20 phút tức là uống ¾-1 lít/giờ (không uống quá 1½ lít nước/giờ). Đối với người công nhân làm việc dưới nóng bức hơn 2 giờ, đổ mồ hôi nhiều thì nên sử dụng đồ uống có bổ sung điện giải như đồ uống thể thao để bổ sung lượng muối bị mất. Một lời khuyên về tần suất uống nước trong quá trình làm việc đó là: thường xuyên uống với 1 lượng nhỏ sẽ hiệu quả hơn là uống một lượng lớn không thường xuyên.

Sau khi làm việc: Cần cung cấp đủ nước sau giờ làm việc thậm chí còn quan trọng hơn nếu làm việc dưới trời nóng bức thường xuyên. Mất nước mãn tính làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh chẳng hạn như sỏi thận. Chuẩn bị đồ uống phù hợp với thời tiết là một điều quan trọng giúp cho người công nhân thoải mái hơn ví dụ như nước mát vào mùa hè và nước ấm vào mùa lạnh giá.

Tại Việt Nam người công nhân xây dựng có thói quen uống các đồ uống tăng lực để cảm thấy sảng khoái và khỏe hơn đặc biệt với thời tiết nắng nóng, khi uống 1 cốc nước tăng lực mát lạnh sẽ giúp người công nhân cảm giác thật đã khát. Tuy nhiên, theo 1 số nghiên cứu cho thấy rằng rằng mặc dù nước tăng lực có thể có tác dụng có lợi đối với hoạt động thể chất nhưng những sản phẩm này cũng có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho sức khỏe lâu dài do vậy không nên sử dụng thường xuyên nước tăng lực [6].

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Dinh dưỡng, 2016. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam

2. Peechakara BV, Gupta M. Water Toxicity. [Updated 2023 Jun 26]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537231/

3. Gardner J. W. (2002). Death by water intoxication. Military medicine, 167(5), 432–434. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12053855/

4. Title : Heat stress: hydration. Corporate Authors(s) : National Institute for Occupational Safety and Health. Published Date : February 2017 Series : Heat stress;DHHS publication ; no. (NIOSH) 2017-126; URL : https://stacks.cdc.gov/view/cdc/45851 https://www.cdc.gov/niosh/mining/userfiles/works/pdfs/2017-126.pdf

5. Bates GP, Schneider J. Hydration status and physiological workload of UAE construction workers: A prospective longitudinal observational study. J Occup Med Toxicol. 2008 Sep 18;3:21. doi: 10.1186/1745-6673-3-21. PMID: 18799015; PMCID: PMC2561022.

6.  Alsunni AA. Energy Drink Consumption: Beneficial and Adverse Health Effects. Int J Health Sci (Qassim). 2015 Oct;9(4):468-74. PMID: 26715927; PMCID: PMC4682602. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4682602/

ThS. Vương Thị Hồ Ngọc - Phòng Kiểm tra Nhà nước về An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng