Cải thiện dinh dưỡng vị thành niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ - giải pháp nền tảng giảm suy dinh dưỡng thấp còi
Cập nhật: 11/20/2009 - Lượt xem: 22797
1. Tầm quan trọng của suy dinh dưỡng thấp còi (stunting) Trải qua thời gian dài chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, tình trạng suy dinh dưỡng đã để lại hậu quả rất nặng nề ở nước ta, thậm chí 10-15 năm sau ngày thống nhất tổ quốc. Chỉ từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chúng ta bắt đầu quan sát thấy gia tốc tăng trưởng của người Việt nam sau một thời gian dài trước đó hầu như không có cải thiện nào đáng kể. Điều này cho thấy gánh nặng của suy dinh dưỡng mãn tính. Suy dinh dưỡng còn gây giảm khả năng trí tuệ, học hành kém và khó có thể đạt được năng suất lao động cao, dẫn tới giảm chất lượng giáo dục-đào tạo. Ngân hàng Thế giới ước tính cho Việt nam, suy dinh dưỡng làm giảm 5% GDP hàng năm. Rõ ràng là suy dinh dưỡng gây thiệt hại về kinh tế, thiệt hại và kìm hãm phát triển, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và ảnh hưởng tới nòi giống. Các cộng đồng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao thường dễ bị nghèo đói và nghèo đói-suy dinh dưỡng là một vòng luẩn quẩn khó tìm được chìa khoá để mở ra.
Về mặt khoa học, cần khảng định là "dáng vóc bé nhỏ không phải là đặc tính của người Việt nam". Nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt, và thế hệ nối tiếp thế hệ, người Việt nam có thể đạt được các chỉ số thể lực dinh dưỡng không khác nhiều các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Vì vậy phấn đấu thoát khỏi suy dinh dưỡng và dinh dưỡng hợp lý cho toàn xã hội không những mang ý nghĩa sinh học, ý nghĩa về chất lượng dân số mà còn mang ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc.
Tháng 12/2000, Liên hợp quốc thông qua mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millenium goals), trong đó có mục tiêu dinh dưỡng là giảm nhẹ và thanh toán một số vấn đề dinh dưỡng vào năm 2020 đồng thời kêu gọi các nỗ lực toàn cầu thực hiện thành công các mục tiêu trông đợi đó. Có thể nói, đây là các mục tiêu nhiều tham vọng và có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn như mục tiêu giảm đói nghèo, nâng cao giáo dục, văn hoá-xã hội sẽ không thể đạt được nếu không thực hiện được các mục tiêu về dinh dưỡng. Nước ta đang đứng trước các cơ hội mới để cải thiện dinh dưỡng, đó là sự đảm bảo tốt hơn về an ninh thực phẩm quốc gia, nhận thức của dân chúng về dinh dưỡng được nâng cao hơn, kinh tế tăng trưởng đều và Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ. Tuy nhiên, chặng đường sắp tới rõ ràng là nhiều khó khăn vì suy dinh dưỡng mãn tính (thấp còi) ở nước ta còn phổ biến, thiếu vi chất dinh dưỡng chưa dễ gì kiểm soát, sự chênh lệch giữa các vùng miền cùng với các vấn đề mới nảy sinh như thừa cân, béo phì ở một số đô thị.
2. Tình hình và nguyên nhân "thấp còi" ở trẻ em Việt nam Mọi người đều biết, dinh dưỡng kém biểu hiện "thấp bé, nhẹ cân, còi cọc". Chỉ số mà cộng đồng hiện nay được biết đến nhiều là "nhẹ cân" tức là cân nặng thấp hơn so với tuổi. Tuy nhiên, "chiều cao thấp" so với tuổi hay suy dinh dưỡng mãn tính là thể suy dinh dưỡng cực kỳ quan trọng. Tình trạng này kéo dài qua nhiều thế hệ. Người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Các nghiên cứu gần đây trên thế giới đã đi đến kết luận là "thấp còi" là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời.
Những trẻ thấp còi sau này phát triển khó đuổi kịp người bạn bình thường cùng tuổi cả về Hình 1. Tỷ lệ thấp còi ở Việt nam từ 1009-2003 (Viện Dinh dưỡng) thể lực lẫn trí lực. Điều này đã rút ra từ các nghiên cứu theo dõi chiều dọc trên thế giới cũng như nghiên cứu của Viện dinh dưỡng. Hiện nay, tỷ lệ thấp còi chung trong toàn quốc là 32%, tức là cứ 3 đứa trẻ dưới năm tuổi, có 1 trẻ bị thấp còi. Những hiểu biết hiện nay đã cho thấy nguyên nhân của tình trạng thấp còi ở trẻ nhỏ liên quan tới suy dinh dưỡng bào thai, biểu hiện cân nặng, chiều dài khi đẻ hơn so với trẻ bình thường. Điều này có liên quan tới dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai. Người ta nhận thấy phát triển chiều dài của thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai nghén, trong khi đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Điều này có nghĩa là mọi can thiệp nhằm cải thiện "chiều dài" của bào thai phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt.
Chính vì vậy, gần đây, người ta đã thừa nhận một cách rộng rãi là tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ trước khi mang thai có ý nghĩa quyết định tới tình trạng thấp còi của đứa con sau này. Trong thời gian mang thai, ngay từ những tuần đầu tiên, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, can xi và đặc biệt là íôt. Thiếu íôt, bào thai sẽ không phát triển được.
Ngoài ra, người mẹ cần đủ sắt để cung cấp cho bào thai, đủ vitamin A và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho thai tăng trưởng và dự trữ giúp trẻ phát triển những tháng đầu sau khi ra đời. Thiếu folat trong thời kỳ mang thai, đưa trẻ đẻ ra có thể bị dị tật ống thần kinh. Số liệu này hiện đã được quan tâm và thu thập ở các bệnh viện Sản phụ.
3. Cải thiện dinh dưỡng vị thành niên và dinh dưỡng của bà mẹ trước khi mang thai và trong giai đoạn mang thai là nội dung "dinh dưỡng dự phòng" thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ thấp còi. Đây là một tiếp cận rất quan trọng. Các tổ chức quốc tế kêu gọi các quốc gia có các chiến dịch giáo dục cho thanh nữ một cách hệ thống. Giáo dục sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục giới tính và ngăn ngừa có thai sớm, thai ngoài ý muốn cần lồng ghép và cần được đưa vào các trường học.
Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực có các chương trình dinh dưỡng học đường được duy trì. Chương trình này có thể bao gồm một dự án bữa ăn trưa mà Chính phủ đứng ra trợ cấp, đồng thời với các chăm sóc về y tế, tiêm chủng, vệ sinh và bổ sung vi chất chẳng hạn như bổ sung viên sắt cho học sinh gái. Những hoạt động này ở nước ta mới chỉ diễn ra trên phạm vi thí điểm. Người phụ nữ trước khi có thai cần được quan tâm nhiều hơn tới dinh dưỡng bao gồm ăn uống, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, giun sán, và cần phải được học về dinh dưỡng, hiểu biết về thức ăn, hiểu biết về về nuôi con. Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bao gồm theo dõi tăng cân, tư vấn dinh dưỡng, khám thai, tiêm chủng, bổ sung viên sắt/folic và cải thiện môi trường vệ sinh là các hoạt động cơ bản, không bao giờ là cũ và luôn được nhấn mạnh ở mọi cộng đồng.
Hiện nay, chương trình dinh dưỡng đang có những kết hợp lồng ghép với chương trình làm mẹ an toàn trong thực hiện các chăm sóc tới nữ vị thành niên và ở độ tuổi sinh đẻ. Một trong những khía cạnh quan trọng quan trọng khác là cần cải thiện nhiều hơn nữa vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Một nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra trình độ học vấn của người mẹ có ảnh hưởng có ý nghĩa đến thấp còi ở trẻ em. Yếu tố này có ảnh hưởng không kém yếu tố về điều kiện sống (như tình trạng nhà ở). Mặc dù các đo đạc chưa thấy hệ số bất bình đẳng giữa nam và nữ tăng lên đáng kể trong thời gian qua ở nước ta song một thực tế là vẫn tồn tại sự phân bố quyền lực chưa bình đẳng nam-nữ trong nội bộ các gia đình, nhất là khu vực nông thôn. Sự bận rộn của phụ nữ nông thôn với công việc sản xuất, việc nhà, chăm sóc con cái chưa được chia sẻ đáng kể bởi người chồng. Công việc nặng nhọc kéo dài đã tước đi cơ hội học hỏi kỹ năng, hiểu biết và cả thì giờ cần thiết để chăm sóc con cái. Đông con và các tập quán, niềm tin có ảnh hưởng bất lợi cho người phụ nữ vẫn không phải là không phổ biến ở nhiều vùng. Nhiều tập quán có ảnh hưởng trực tiếp tới thực hành dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em nhỏ.
Tình trạng kiêng khem trong ăn uống trong thời gian mang thai ở nhiều vùng còn là hàng rào đối với dinh dưỡng người mẹ. Có thể những đầu tư làm giảm gánh nặng công việc gia đình nội trợ đi cùng với các chính sách khả thi sẽ giúp ích rất nhiều cho người phụ nữ và con cái của họ. Hình 2 cho thấy ý nghĩa quan trọng của vị thế và học vấn của người phụ nữ đối với SDD. Hình 2. Đóng góp của các biến số đối với SDD [Theo IFPRI]
3. Nâng cao chất lượng chăm sóc dinh dưỡng trẻ em để giảm thấp còi trong những năm đầu. Điểm mấu chốt nhất ở đây là thực hiện bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và cho bú duy trì tiếp tục 18 đến 24 tháng.
Từ tháng thứ 6, thực hiện ăn bổ sung hợp lý, cải thiện chất lượng ăn bổ sung và bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện còn nhiều thắc mắc là liệu bà mẹ Việt nam có đủ sữa để cho con bú như vậy không? Muốn thực hiện có hiệu quả hoạt động chăm sóc trẻ em ở nông thôn, cần có một hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo rộng khắp. Điều này rất lớn lao nhưng rất cơ bản cho hoạt động cải thiện dinh dưỡng trẻ em. Kinh nghiệm của một số huyện điểm triển khai có kết qủa hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho thấy việc duy trì được hệ thống nhà trẻ là một yếu tố đóng góp quan trọng vì nhà trẻ là địa điểm thực hiện các chăm sóc dinh dưỡng và sức khoẻ ở cộng đồng.
Chăm sóc dinh dưỡng đòi hỏi thường xuyên, hàng ngày do đó đòi hỏi hệ thống nhà trẻ mở rộng và nâng cao chất lượng. Kinh nghiệm nhiều nước có thành tích hạ nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng đều cho thấy hệ thống nhà trẻ tốt (day-care center) có ý nghĩa quan trọng trong khi hoạt động chăm sóc tại hộ gia đình cần từng bước được cải thiện. Tóm lại, nước ta được quốc tế đánh giá là có mức giảm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân khá ấn tượng trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, sự giảm trên chưa bền vững thể hiện tình trạng thấp còi còn cao và có sự khác biệt nhiều giữa các vùng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào cải thiện chất lượng dinh dưỡng của người Việt nam trong thời gian tới. Hướng tiếp cận được nhiều người đồng tình hiện nay là "tiếp cận dự phòng", thực hiện cải thiện dinh dưỡng vị thành niên và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ tuổi sinh đẻ sẽ là nền tảng cho việc giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta.
Tài liệu tham khảo 1. Viện Dinh dưỡng, Bệnh viện Nội tiết và Chương trình phòng chống bướu cổ: Tài liệu tổng kết chương trình phòng chống thiếu íôt, phòng chống thiếu vitamin A, thiếu máu dinh dưỡng và suy dinh dưỡng năm 2003 và Kế hoạch triển khai năm 2004. 2. Viện Dinh dưỡng: Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000. NXB Y học 2003. 3. Peter Adamson. Vitamin and Mineral Deficiency: A global progress report. UN, 5/2004. 4. MI (Micronutrient Initiative): Vitamin and Mineral Deficiency: A report assessment for Vietnam (leadership briefing), 2004. 5. UNICEF/UNU/WHO. Iron Deficiency Anemia: Assessment, Prevention, and Control, A guide for programme managers. WHO, 2001. 6. Lisa C.Smith and Lawrence Haddad. Overcoming Child Malnutrition in Developing Countries: Past achievements and future choices. International Food Policy Research Institute, Washington DC, 2/2000