Giáo sư Từ Giấy đã ra đi. Ông vừa hoàn thành một cuộc đời đáng tự hào của một nhà khoa học, một chiến sỹ, một người con ưu tú của dòng tộc họ Từ nơi quê Ông.
GS Từ Giấy sinh ngày 10 tháng 10 năm 1921 tại làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Đông, một vùng quê nghèo thời đó. Mồ côi cha năm 2 tuổi, trải qua một tuổi thơ đầy gian nan, vất vả nhưng vốn thông minh ham học, cậu học sinh Từ Giấy đã đỗ đầu cuộc thi luận Quốc văn toàn tỉnh Hà Đông khi mới 15 tuổi.
Năm 1943, ông tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại Trường Bưởi, Hà Nội và ngay năm đó thi đỗ vào trường Đại học danh tiếng -Trường Đại học Y-Dược Hà Nội.
Cách mạng tháng Tám thành công đã thổi bùng nhiệt huyết trong trái tim ông và người sinh viên y khoa ngày đó với ba lô trên vai mang theo cả hoài bão cách mạng, ông tạm biệt Hà Nội lên đường theo đoàn quân Nam Tiến tới trạm quân y tiền phương - mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa. Sau Hiệp định sơ bộ Mồng 6 tháng Ba 1946, ông được điều ra Hà Nội. Chiến tranh, thiếu thốn, đói nghèo, lạc hậu đặt ra một loạt vấn đề cấp bách. Tận mắt chứng kiến những chiến sĩ sống trong điều kiện khó khăn ở vùng rừng núi và chưa có hiểu biết về bệnh tật, nhiều người bị sốt rét cướp đi tính mạng, anh sinh viên Từ Giấy đã lao vào công việc vệ sinh phòng dịch trong quân đội để rồi suốt đời ông gắn bó và dành cả trí tuệ xuất chúng của mình cho lĩnh vực này.
Tháng 6 năm 1946, ông được giao nhiệm vụ xuất bản tờ báo Vui Sống để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh, phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân trong hoàn cảnh hết sức khó khăn gian khổ của những năm tháng đầu tiên của nền Dân Chủ Cộng Hòa. Nhắc tới tên ông, nhiều người nhớ tới Lang Khoai, nhớ tới báo Vui sống. Những lời khuyên viết ngắn gọn cụ thể nhiều tranh vui, nhiều ca dao dễ nhớ, nhiều giải đáp dí dỏm đã nhanh chóng được quân và dân tìm đọc để áp dụng. Cùng với các Báo Sự Thật, Cứu Quốc, Vệ Quốc Đoàn, Báo Vui Sống là một trong 4 tờ báo đầu tiên của nước Việt Nam mới và là tờ báo sức khỏe ra đời sớm nhất ở nước ta. 7 năm hoạt động (1946-1952) báo Vui Sống đúng như tên gọi Vui Sống đã thực sự trở thành món ăn tinh thần của đồng bào và chiến sỹ vùng Tự do suốt từ Việt Bắc tới Khu 4 và Bình Trị Thiên khói lửa, góp phần bảo vệ sức khỏe, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống để đương đầu với những khó khăn gian khổ.
Từ năm 1952 ông là Trưởng phòng Phòng bệnh của Cục Quân Y, trưởng ban phòng bệnh quân đội mặt trận Điện Biên Phủ.
Từ năm 1956 đến năm 1961, ông đi tu nghiệp tại Liên Xô. Ngay khi về nước, từ 1961-1966 Ông làm Chủ nhiệm khoa Vệ sinh quân đội- Học viện Quân y rồi Phó cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu ăn mặc quân đội. Ông đã dồn hết tâm sức của mình cho vấn đề ăn mặc của quân dân ta. Những nghiên cứu, đề xuất của ông đã góp phần quan trọng vào xây dựng ngành vệ sinh quân đội, ngành quân nhu và ngành dinh dưỡng Việt Nam sau này.
Ý tưởng cải thiện bữa ăn của người Việt Nam đã nhen nhóm trong ông, ông mang nó theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc từ những nẻo đường của chiến dịch Điện Biên lừng lẫy đến cuộc Tổng tiến công hào hùng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những sáng kiến còn lưu danh đến giờ là "Gạo 4 túi", "Rau rừng", "Trạm, chế biến ở chiến trường", "Lương khô N70, N71" mãi gắn với tên tuổi của ông.
Tháng 6/1980 Hội đồng Chính Phủ ra quyết định thành lập Viện Dinh Dưỡng quốc gia, Đại tá GS. BS. Từ Giấy được điều động ra khỏi quân đội, đảm nhận trách nhiệm Viện trưởng. Viện Dinh dưỡng quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề rộng hơn, sâu hơn, mang tính chiến lược để Nhà nước hoạch định chính sách nhằm giải quyết các vấn đề Dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm nóng bỏng ở nước ta. GS đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước quan trọng về cải thiện bữa ăn, các căn cứ khoa học mà ông và các đồng nghiệp đưa ra là cơ sở đầy thuyết phục cho các dự án viện trợ quốc tế can thiệp khẩn cấp cho trẻ em, bà mẹ Việt Nam với giá trị lớn trong hòan cảnh đất nước bị cấm vận. Đó là các dự án PAM 2651, 3844 và nhiều dự án khác. Chính các dự án lúc đó mở đường cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược dinh dưỡng quốc gia sau này.
GS. Từ Giấy là con người hành động. Khoa học của ông là những gì thiết thực nhất đối với con người.Ý tưởng đeo đuổi suốt cuộc đời ông là ứng dụng khoa học dinh dưỡng vào đời sống để giải quyết những vấn đề thực tế của Việt nam. Đề xuất và xây dựng hệ sinh thái vườn-ao-chuồng (VAC) là một đóng góp xuất sắc của ông cho khoa học dinh dưỡng và y tế công cộng, cho đất nước trong lĩnh vực đảm bảo an ninh thực phẩm hộ gia đình, góp phần phòng chống suy dinh dưỡng. Hệ sinh thái VAC thể hiện sự kết hợp rất khéo giữa khoa học dinh dưỡng và giải pháp ứng dụng bằng một ngôn ngữ gần gũi, rất Việt Nam, sâu sắc với đầy đủ ý nghĩa nhân văn của dinh dưỡng và phát triển bền vững.
GS Từ Giấy là một nhà khoa học đầu đàn và danh tiếng của ngành dinh dưỡng Việt nam, là người có công đầu trong xây dựng Viện Dinh dưỡng thành một viện đầu ngành, có đóng góp cụ thể cho đất nước, cho ngành trong trận chiến phòng chống thiếu đói và suy dinh dưỡng ở nước ta. Năm 1990, Ông đã là chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn dinh dưỡng an tòan thực phẩm tại trường Đại học Y Hà Nội. Ông có công lớn đào tạo nhiều cán bộ dinh dưỡng Việt Nam, xây dựng một đội ngũ chuyên ngành ngày càng mạnh, được đánh giá cao ở trong và ngoài nước.
Sau khi nghỉ hưu, ông đã cùng đồng nghiệp thành lập Hội Dinh Dưỡng Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội.
Hơn nửa thế kỷ làm khoa học, Giáo sư Từ Giấy đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, nhiều đầu sách và các xuất bản xuất sắc về học thuật trong và ngoài nước. Năm 1993, tạp chí "Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng" Châu Á - Thái Bình dương đã bình chọn Gs Từ Giấy là người đầu tiên để trao giải thưởng "Nhà Dinh dưỡng xuất sắc nhất Châu Á" do có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển khoa học dinh dưỡng. Tháng 3 năm 2008, ông được Ủy ban Dinh dưỡng Liên Hiệp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”.
Tháng 10/2009 tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng XIX (tại Thái Lan) GS Từ Giấy được vinh danh là một trong 20 “Huyền Thoại Sống của Ngành Dinh Dưỡng thế giới”, ghi nhận những đóng góp lớn lao ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Do có những cống hiến xuất sắc, GS Từ Giấy đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Thày thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
GS. Từ Giấy là người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Trí thông minh, uyên bác của một nhà khoa học, tác phong tận tụy của một người lính và trái tim nhân hậu, bao dung của ông đã là niềm tự hào và là tấm gương sáng đối với các thế hệ con cháu của ông, của các đồng nghiệp, của học trò, của quê hương ông.
Những năm cuối đời, mặc dù sức khoẻ sút kém nhưng ngọn lửa thèm khát hiểu biết, thèm khát được đóng góp sức mình cho cuộc đấu tranh đương đầu với nạn suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn tiếp tục cháy bỏng trong ông, con người bình dị, nhưng vẫn sáng láng khí phách của một anh hùng.
Xin cám ơn những gì mà ông đã đóng góp cho cho cuộc đời, con người, cho đất nước. Xin nguyện giữ gìn và phát huy những thành quả của ông.
Chúng ta kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Ông.
Các bài liên quan: