Cập nhật một số vấn đề về Phòng chống suy dinh dưỡng hiện nay

Cập nhật: 4/19/2017 - Lượt xem: 22470

Tháng 12/2002, Liên hợp quốc thông qua mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millenium development goals), trong đó đề ra mục tiêu giảm 1/3 tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) vào năm 2015 so với năm 1990. Đây là một mục tiêu tham vọng vì giảm SDD liên quan tới đói nghèo và nhiều vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp cận được mục tiêu trong vòng 10 năm tới nếu áp dụng một chiến lược thích hợp trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa các giải pháp chuyên môn kỹ thuật với công tác huy động xã hội.

Từ năm 1998, sau khi tiếp nhận Mục tiêu phòng chống SDD trẻ em từ Uỷ ban BVCSTE (nay là Uỷ ban DS-GĐ-TE), ngành y tế đã thực hiện các giải pháp chiến lược mới "chăm sóc dự phòng" thay cho trước đó chủ yếu tập trung vào những trẻ đã bị SDD nặng. Trong 5 năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm đều đặn từ 1,5 đến 2% hàng năm. Theo báo cáo mới đây của Unicef, Việt nam được đánh giá là nước duy nhất trong khu vực châu á- Thái bình dương đạt được mức giảm SDD nhanh (1). Cùng với thành tựu trong phòng chống thiếu vitamin A, phòng chống thiếu máu dinh dưỡng và thiếu íôt, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được thừa nhận là có hiệu quả cụ thể (1,2). Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta còn cao (28,4%) và đặc biệt là tỷ lệ thấp còi (stunting) khá cao (32%) và chênh lệch nhiều giữa các địa phương (3). Điều này cho thấy, đã đến lúc chúng ta không chỉ quan tâm tới chỉ số SDD nhẹ cân mà cần quan tâm hơn tới chỉ số suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi (thể chiều cao thấp) và phát triển chiều cao. Những thách thức giảm SDD trong những năm tới là rất lớn. Điều này đòi hỏi cần phân tích và đề xuất các phương hướng cụ thể cho chặng đường một thập kỷ tới. 2. Tầm quan trọng và nguyên nhân của suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta Mọi người đều biết, dinh dưỡng kém biểu hiện "thấp bé, nhẹ cân, còi cọc". Chỉ số mà cộng đồng hiện nay được biết đến nhiều là "nhẹ cân" tức là cân nặng thấp hơn so với tuổi. Tuy nhiên, "chiều cao thấp" so với tuổi hay suy dinh dưỡng mãn tính là thể suy dinh dưỡng cực kỳ quan trọng. Nghiên cứu của Hà Huy Khôi cho thấy trong gần 50 năm từ 1938 đến 1985, chiều cao của người Việt nam hầu như không thay đổi (4). Đây là thời kỳ khó khăn gian khổ của đất nước. Chỉ từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chúng ta bắt đầu quan sát thấy gia tốc tăng trưởng của người Việt nam mà sau một thời gian dài trước đó, thậm chí 15 năm sau khi kết thúc chiến tranh, hầu như không có cải thiện nào đáng kể. Tình trạng này kéo dài qua nhiều thế hệ, người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Những trẻ thấp còi sau này phát triển khó đuổi kịp người bạn bình thường cùng tuổi cả về thể lực lẫn trí lực. Điều này cho thấy gánh nặng của suy dinh dưỡng mãn tính. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy vào năm 2003, tỷ lệ thấp còi chung trong toàn quốc là 32%, tức là cứ 3 đứa trẻ dưới 5 tuổi, có 1 trẻ bị thấp còi (3). Toàn quốc hiện có trên 3 triệu trẻ bị thấp còi. Từ năm 1999 đến nay, tỷ lệ thấp còi bình quân hàng năm giảm 1,5% (hình 1). Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi ở các vùng tây Bắc, đông Bắc, Bắc miền Trung và Tây nguyên còn cao, dao động từ 38 đến 44% (hình 2). Ngân hàng Thế giới ước tính cho Việt nam, suy dinh dưỡng thấp còi làm giảm 5% GDP hàng năm (5). Rõ ràng là suy dinh dưỡng thấp còi gây thiệt hại về kinh tế, thiệt hại và kìm hãm phát triển, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và ảnh hưởng tới nòi giống. Các cộng đồng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao thường dễ bị nghèo đói và nghèo đói-suy dinh dưỡng là một vòng luẩn quẩn khó tìm được chìa khoá để mở ra.Những hiểu biết hiện nay đã cho thấy nguyên nhân của tình trạng thấp còi ở trẻ nhỏ liên quan tới suy dinh dưỡng bào thai, biểu hiện cân nặng, chiều dài khi đẻ hơn so với trẻ bình thường. Các nghiên cứu gần đây trên thế giới đã đi đến kết luận là "thấp còi" là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời. Thấp còi có liên quan tới dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai. Người ta nhận thấy phát triển chiều dài của thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai nghén, trong khi đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34 của thai kỳ (1). Điều này có nghĩa là mọi can thiệp nhằm cải thiện "chiều dài" của bào thai phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, gần đây, người ta đã thừa nhận một cách rộng rãi là tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ trước khi mang thai có ý nghĩa quyết định tới tình trạng thấp còi của đứa con sau này. Trong thời gian mang thai, ngay từ những tuần đầu tiên, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, can xi và đặc biệt là íôt. Thiếu íôt, bào thai sẽ không phát triển được. Ngoài ra, người mẹ cần đủ sắt để cung cấp cho bào thai, đủ vitamin A và các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho thai tăng trưởng và dự trữ giúp trẻ phát triển những tháng đầu sau khi ra đời. Thiếu folat trong thời kỳ mang thai, đứa trẻ đẻ ra có thể bị dị tật ống thần kinh. Số liệu này cần được được quan tâm và thu thập ở các bệnh viện Sản phụ.

Tỷ lệ SDD thấp còi chiếm 10% ngay ở tháng đầu tiên, gấp đôi so với SDD nhẹ cân và bắt đầu tăng nhanh sau 5 tháng tuổi (hình 3). Đáng chú ý là phân bố theo tuổi của SDD thấp còi vào 2003 không khác nhiều so với những gì đã thấy qua các nghiên cứu vào 1985 (4). Điều này chứng tỏ   yếu tố quyết định của suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta, trong đó có vấn đề suy dinh dưỡng bào thai vẫn còn tồn tại chưa thay đổi nhiều. Một trong những điểm tồn tại là chúng ta chưa thu thập được chính xác và có hệ thống về tỷ lệ cân nặng khi đẻ thấp, song phân bố trên đã gián tiếp phản ánh tình trạng SDD bào thai còn cao. Ta đã biết trong giai đoạn 2 năm đầu, nuôi dưỡng có một vai trò hết sức quan trọng đối với suy dinh dưỡng thấp còi. Điều này có liên quan tới chất lượng khẩu phần ăn bổ sung: thiếu protid (giúp xây dựng các tế bào, tạo hình), lipid (giúp phát triển các xương dài và hấp thu vi chất dinh dưỡng) và còi xương sớm do thiếu vitamin D, canxi... Tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn những tháng đầu thấp, ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung nghèo protid, lipid có vai trò quan trọng đối với SDD thấp còi. Các tác giả đều thống nhất là thấp còi là hậu quả của tình trạng thấp kém về vệ sinh và SDD bào thai (6). Bên cạnh đó, trình độ học vấn của người mẹ có ảnh hưởng có ý nghĩa đến thấp còi ở trẻ em, không kém yếu tố về điều kiện sống (như tình trạng nhà ở). Theo IFPRI, vào năm 2000, có những thay đổi rõ rệt về mức độ đóng góp của các biến số đối với suy dinh dưỡng thấp còi so với đầu thập kỷ 90. Yếu tố "thiếu ăn" (an ninh thực phẩm) dần trở nên ít quan trọng hơn so với yếu tố "học vấn của phụ nữ" (hình 4). Đối với nước ta, nhận định trên có thể đúng đối với khu vực thành phố và một số vùng nông thôn nhưng đối với nhiều vùng khó khăn, yếu tố mất an ninh lương thực vẫn còn là yếu tố hàng đầu đối với SDD thấp còi.