Khuyến cáo của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm về hộp xốp, hộp nhựa đựng thực phẩm

Cập nhật: 5/24/2010 - Lượt xem: 25384

Với mục đích cung cấp các thông tin thống nhất khách quan và đáng tin cậy cho người tiêu dùng, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ y tế) vừa có thông tin chính thức về hộp xốp, hộp nhựa đựng thực phẩm. Trước đó cục Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã yêu cầu Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban CODEX Việt Nam) tham khao các tiêu chuẩn hướng dẫn và số liệu quốc tế về hộp xốp đựng thức ăn để có các thông tin cơ bản về vấn đề này…

Nguyên liệu không tốt mới gây độc hại

Hộp xốp được sản xuất bằng công nghệ polyme hóa monomer styrene – một sản phẩm trong chế biến dầu lửa, tạo thành xốp là polystyrene (PS). Chất xốp này chứa tới 95% không khí và chỉ chứa 5% polystyrene nên rất nhẹ. Công nghệ đùn ép xốp có thể sản xuất ra rất nhiều các sản phẩm khác nhau như hộp đựng thực phẩm, hộp bảo ôn, tấm cách nhiệt, trần nhà,…ngoài PS, các hợp chất để làm hộp đựng thức ăn, nước uống còn có thể là: expanded polystyrene( EPS), polypropylene( PP), polyethylene terephthalate (PET). Các vật liệu này dùng để làm hộp thức ăn cho các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, các cơ sở bản lẻ thực phẩm bao gồm cả đồ uống… Trong số các vật liệu kể trên, PP chịu được nhiệt cao nhất-từ 100 oC đến 120 oC – trong thời gian dài, trong khi ba loại còn lại không thích hợp cho đựng thức ăn nóng trên 100 oC.

Mặc dù PS là vật liệu rất an toàn, nhưng các hóa chất để sản xuất PS ( trong đó có styrene và ethylbenzene) là các chất có hại cho sức khỏe gây hiêu ứng thần kinh, ảnh hưởng tới chức năng gan, tụy. Nếu nguyên liệu dùng cho sản xuất PS không tốt thì hộp xốp còn có nguy cơ chứa cả các chất độc là kim loại nặng như chì và cadmium.

Do là vật tiếp xúc với thực phẩm nên độc tính và độ an toàn của PS đối với sức khỏe con người được các cơ quan Y tế của các nước và các tổ chức quốc tế nghiên cứu và đánh giá rất kỹ. Từ những năm 1990, Ủy ban hỗn hợp chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã tiến hành đánh giá và kiến nghị: mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được (ADI) styrene là 0,04mg/kg thể trọng đối với người. Thí nghiệm trên động vật cho thấy tiêu thụ styrene ở mức 7,7mg/kg thể trọng/ ngày trong 2 năm liền không có hiêu ứng độc tính.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khảo sát và thu thập số liệu về khả năng các chất tồn dư như styrene hay ethylbenzene có thể thôi nhiễm vào thực phẩm trong nhiều năm. Kết quả cho thấy lượng thôi nhiễm này là cực kỳ nhỏ và không có khả năng gây hại cho sức khỏe. Trong những năm 1993 đến 2002, hiệp hội công nghiệp chất dẻo Hoa Kỳ đã kiểm tra hàm lượng thôi nhiễm styrene và ethylbenzene bằng thực phẩm bao gói bằng PS và EPS. Số liệu trình lên FDA cho thấy lượng thôi nhiễm các chất này vào thực phẩm nhỏ gấp 10.000 lần so với mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được. Một nghiên cứu mô phỏng trong các điều kiện nhiệt độ thức ăn khác nhau do Ủy ban Người tiêu dùng phối hợp với Cục quản lý Thực phẩm và Vệ sinh môi trường Hồng Kông tiến hành trong năm 2005 cho thấy các hộp PS, EPS đựng thức ăn tại các xưởng sản xuất và trong trường học đều đạt tiêu chuẩn. Chỉ có một trường hợp thôi nhiễm vượt mức khi thức ăn có mỡ nóng hơn 120 oC, khi hạ nhiệt độ thức ăn thi mức thôi nhiễm lại quay về dưới mức cho phép.
Hội đồng hóa học Hoa kỳ nêu rõ: “Dựa trên kết quả thử nghiệm khoa học trong suốt hơn 5 thập kỷ qua, các cơ quan an toàn thực phẩm của chính phủ xác định polystyrene là an toàn để sử dụng trong dịch vụ  thực phẩm. Polystyrene đáp ứng được các tiêu chuẩn khá khắt khe của FDA Hoa Kỳ và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EC) dùng trong bao gói để bảo quản và phuc vụ đồ ăn. Các đánh giá mới đây của Cục Thực phẩm và Vệ sinh Môi trường Hồng Kông về hộp đựng thực phẩm Polystyrene cũng phù hợp với kết luận của FDA Hoa Kỳ”.
Mặc dù hộp Polystyrene nói chung là an toàn cho đựng thực phẩm, nhưng nếu sử dụng loại hộp kem chất lượng, sử dụng không đúng cách thì vẫn có nguy cơ thôi nhiễm chất styrene quá mức.
Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế đưa ra một số hướng dẫn sử dụng hộp xốp trong dịch vụ ăn uống an toàn như sau:

6 hướng dẫn sử dụng hộp đựng thực phẩm an toàn

  1. Các cơ sở dịch vụ, nhà hàng chỉ sử dụng các hộp đựng thức ăn PS, EPS hợp vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ rang.
  2. Các loại hộp xốp đựng thức ăn nhanh sử dụng một lần (single use disposable food containers) chỉ nên dùng một lần rồi loại bỏ. Không dùng các hộp đã qua sử dụng để đựng và bảo quản các loại thức ăn khác nhau trong thời gian dài.
  3. Không dùng hộp xốp để đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100 oC, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều dầu mỡ còn đang nóng, để thức ăn nguội bớt rùi cho vào hộp .
  4. Không hâm nóng thức ăn trong hộp xốp bằng lò vi song. Trường hợp hộp thức ăn sử dụng một lần có chỉ định hâm nóng bằng lò vi song được thì cũng nên dùng một lần.
  5. Thức ăn, đồ uống chua, có độ axit cao như dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh không nên đựng bằng hộp xốp, nhất là đồ uống vừa chua vừa nóng như chè chanh. Độ axit cao kết hợp nhiệt độ cao sẽ làm tăng cao nguy cơ thôi nhiễm styrene.
  6. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng hộp xốp đựng thức ăn phải tuân theo các quy định, hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm khác như đối với các vật liệu bao gói, có tiếp xúc với thực phẩm nói chung.

Tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP với bao bì chứa thực phẩm    

Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho biết đã chỉ đạo các Sở Y tế, các Viện khu vực hướng dẫn quản lý, sử dụng hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm; Tiếp tục tăng cường kiểm tra nhanh, kiểm tra giám sat định kỳ, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn đối với bao bì chứa đựng thực phẩm.

Việc thông báo các thông tin cảnh báo về sản phẩm hàng hóa thực phẩm, bao bì trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm là trách nhiệm của các bên tham gia vào công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm sẽ chủ động thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin liên quan trong lĩnh vực mà Cục quản lý để người tiêu dùng nắm được, đồng thời thể hiện trách nhiệm và tính minh bạch của các cơ quan quản lý có liên quan…

theo: Mai Nhi

Tạp chí Thực phẩm và Đời sống ( số 14(46) tháng 04/2010)