Luận án tiến sĩ của NCS Đinh Thị Phương Hoa

Cập nhật: 6/16/2022 - Lượt xem: 9104

TRÍCH YẾU LUẬN ÁN

PHẦN MỞ ĐẦU

Họ và tên nghiên cứu sinh: Đinh Thị Phương Hoa

Tên đề tài luận án: Tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và hiệu quả bổ sung sắt hàng tuần ở phụ nữ 20-35 tuổi tại huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang.

Chuyên ngành: Dinh dưỡng

Mã số: 62.72.03.03

Hướng dẫn khoa học: GS. TS. Lê Thị Hợp; TS. Phạm Thị Thúy Hòa

Tên cơ sở đào tạo: Viện Dinh Dưỡng

PHẦN NỘI DUNG

Mục tiêu nghiên cứu

  1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu, tỷ lệ nhiễm giun và khẩu phần ăn thực tế của phụ nữ lứa tuổi 20-35 tại 6 xã thuộc huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang.
  2. So sánh hiệu quả của bổ sung sắt hàng tuần liên tục với bổ sung sắt hàng tuần ngắt quãng tới tình trạng thiếu máu của phụ nữ lứa tuổi 20-35 tại các địa điểm nói trên.

Đối tượng nghiên cứu

Phụ nữ 20-35 tuổi tại 6 xã thuộc huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nghiên cứu mô tả cắt ngang

Giai đoạn 2: Nghiên cứu thử nghiệm can thiệp cộng đồng có đối chứng

Các phương pháp đã sử dụng

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng dựa vào chỉ số cân nặng và chiều cao.

Đánh giá tình trạng thiếu máu: qua chỉ số Hb (phương pháp Cyanmethemoglobin, Ferritin (phương pháp ELISA: Enzyme - Linked Immuno Asay)

Hỏi ghi khẩu phần: 24 giờ qua.

Đánh giá tình trạng nhiễm giun bằng xét nghiệm Kato-Katz.

Các kết quả chính và kết luận

1. Kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu của 650 phụ nữ từ 20-35 tuổi tại 6 xã thuộc huyện Lục Nam cho thấy:

  • Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (CED) của phụ nữ 20-35 tuổi khá cao (39,1%), trong đó, tỷ lệ CED độ I là 28,5%; CED độ II: 8,8%; CED độ III: 1,8%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ CED giữa các nhóm tuổi nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các xã với tỷ lệ cao nhất là 47,9% ở xã Trường Giang và thấp nhất là 24,4% ở xã Bảo Đài.
  • Tỷ lệ thiếu máu chung của 650 phụ nữ 20-35 tuổi đã điều tra là 16,2%, nhưng phần lớn (13,9%) đối tượng bị thiếu máu nhẹ, 2,3% là thiếu máu vừa và không có đối tượng bị thiếu máu nặng. Tương tự như tỷ lệ CED, không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi nhưng có sự khác biệt về tỷ lệ thiếu máu giữa các xã trong địa bàn nghiên cứu.
  • Tỷ lệ nhiễm giun móc của PNTSĐ đã điều tra là 14,2%, giun tóc là 5,2% và giun đũa là 19,4%. Có mối liên quan giữa nhiễm giun đũa và giun móc với tình trạng thiếu máu ở những đối tượng nghiên cứu.
  • Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở lứa tuổi 20-35 trên địa bàn nghiên cứu có mức tiêu thụ năng lượng trung bình khẩu phần đạt 1951,4 ± 359,1 kcal.  Mức tiêu thụ trung bình các chất dinh dưỡng là: protein 64,5±17,8g; lipid:29,8±16,3g và glucid: 356,4 ±71,6g/ngày/người. Hàm lượng sắt là 13,5±4,3 mg/người/ngày. Hàm lượng vitamin C đạt 46,3mg/người/ngày.

2. Hiệu quả của bổ sung viên sắt/acid folic lên tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu của phụ nữ từ 20-35 tuổi

Bổ sung viên sắt/acid folic hàng tuần liên tục trong 16 tuần (CT1)

  • Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ lứa tuổi 20-35 được bổ sung viên sắt/acid folic đã được cải thiện (Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở nhóm can thiệp giảm 8,7%), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
  • Tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ lứa tuổi 20-35 được bổ sung viên sắt/acid folic đã giảm 10%. Nồng độ Hb trung bình tăng 1,1g/dl; nồng độ Ferritin tăng 23,5 µg/L và tỷ lệ dự trữ sắt thấp giảm 14,6%. Tuy nhiên sự khác biệt có ý nghĩa thống kê chỉ ở 2 chỉ số Hb và Ferritin.

Bổ sung viên sắt/acid folic hàng tuần ngắt quãng trong 28 tuần (CT2)

  • Có hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng của đối tượng nghiên cứu: Tỷ lệ CED giảm 14,6%, giảm nhiều hơn nhóm CT1, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
  • Tỷ lệ thiếu máu của nhóm bổ sung sắt/acid folic hàng tuần ngắt quãng trong 28 tuần giảm 12,5%; Nồng độ Hb trung bình tăng 0,8g/dl, nồng độ Ferritin tăng 20,4 µg/L và tỷ lệ dự trữ sắt thấp giảm 2%. Tuy nhiên sự khác biệt có ý nghĩa thống kê chỉ ở 2 chỉ số là Hb và Ferritin.

So sánh hiệu quả giữa 2 phác đồ

  • Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai phác đồ bổ sung sắt hàng tuần liên tục và phác đồ bổ sung sắt hàng tuần ngắt quãng đều có hiệu quả tương tự đối với cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm tỷ lệ thiếu máu, tăng hàm lượng Ferritin và giảm tỷ lệ dự trữ sắt thấp. Sự khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê là ở 2 chỉ số Hb và Ferritin.
  • Lợi thế của phác đồ bổ sung sắt/acid folic hàng tuần liên tục là thời gian ngắn hơn và tỷ lệ tuân thủ cao hơn.
  • Lợi thế của phác đồ bổ sung sắt/acid folic hàng tuần ngắt quãng: hiệu quả đối với việc tăng nồng độ Hb và Ferritin tại thời điểm 16 tuần tương đương phác đồ bổ sung sắt hàng tuần liên tục tại thời điểm đó. Kết quả này gợi ý các nghiên cứu thử nghiệm tiếp theo trên diện rộng với thời gian ngắn hơn 28 tuần. Nhược điểm của phác đồ bổ sung sắt/acid folic hàng tuần ngắt quãng: tỷ lệ bỏ cuộc nhiều (10%).

Những đóng góp mới của luận án

  • Cung cấp thêm bộ số liệu tổng hợp về tình trạng thiếu năng lượng trường diễn (CED), tỷ lệ thiếu máu, nhiễm giun và khẩu phần ăn của phụ nữ lứa tuổi 20-35 tại 6 xã thuộc huyện Lục Nam, Bắc Giang.
  • Đưa ra phác đồ bổ sung sắt hàng tuần mới (hàng tuần liên tục và hàng tuần ngắt quãng). Phác đồ này có giá trị cao trong lựa chọn giải pháp can thiệp phòng chống thiếu máu cho phụ nữ tuổi sinh đẻ và có thể áp dụng phác đồ này trên diện rộng.
  • Gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo về thử nghiệm bổ sung sắt hàng tuần ngắt quãng tại thời điểm 16, 18 và 20 tuần cho đối tượng phụ nữ tuổi sinh đẻ đặc biệt là những tỉnh/vùng có tỷ lệ CED, thiếu máu và nhiễm giun cao.

NGƯỜI HƯỚNG DẪN 1

NGƯỜI HƯỚNG DẪN 2

NGHIÊN CỨU SINH

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

GS. TS. Lê Thị Hợp

(Ký và ghi rõ họ tên)

  

 TS. Phạm Thị Thúy Hòa

 

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

  Đinh Thị Phương Hoa


Download Luận án (Toàn văn) và Luận án (Tóm tắt) theo đường links sau:

Luận án (Toàn văn)

Luận án (Tóm tắt)