Cách chế biến thức ăn cho trẻ

Cập nhật: 5/26/2017 - Lượt xem: 105054
Nhiều bà mẹ lúng túng khi chuyển chế độ dinh dưỡng cho con từ bú sữa mẹ hoàn toàn sang cho trẻ ăn thêm những thức ăn khác. Những hướng dẫn cụ thể sau đây sẽ giúp người mẹ nắm bắt được dễ dàng cách chế biến thức ăn cho bé theo từng lứa tuổi. 
 
Nấu bột cho trẻ 6 tháng tuổi : Bột gạo 2thìa cà phê (10g bột) + Lòng đỏ trứng gà : 1/2 quả hoặc thay thế bằng 2 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ, ăn cả cái) + 10g rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ), cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhắc ra ngay + Dầu ăn hoặc mỡ : 1/2- 1 thìa cà phê.

Nấu bột cho trẻ 7 – 12 tháng tuổi: Bột gạo 4 - 5 thìa cà phê ( 20 - 25g bột) + Lòng đỏ trứng gà : 1 quả hoặc thay thế bằng 3 thìa cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ, ăn cả cái). + 20 g rau xanh (2 thìa cà phê bột rau băm nhỏ) cho rau khi bột đã chín, đun sôi nhắc ra ngay. + Dầu ăn hoặc mỡ : 1 - 2 thìa cà phê.

Nấu cháo cho trẻ 13 - 24 tháng: Có thể nấu một nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa múc một bát vào xoong con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm, gan, đậu phụ... . Thêm rau xanh và dầu mỡ như nấu bột nhưng số lượng nhiều hơn.

Nấu cơm nát cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi: Nấu cơm nhiều nước hơn bình thường rồi nấu canh thịt, cá, tôm, cua trộn với cơm cho trẻ ăn, không nên chỉ cho trẻ ăn nước rau luộc trộn cơm.

Cũng có thể nấu kiểu cơm nát thập cẩm: dùng các loại bí đỏ, su hào, khoai tây... cắt nhỏ 2 x 3 cm, đun chín nhừ, nghiền nát, cho gạo vào nước rau củ để nấu cơm. Thịt, cá băm nhỏ, mồi bữa 30 - 40g cho vào hấp khi cơm đã chín. Nếu dùng thịt nạc, cá, tôm... thì phải cho thêm 1 - 2 thìa dầu mỡ, trộn đều.

Trẻ trên 36 tháng: Có thể ăn cơm như người lớn nhưng cần ưu tiên thức ăn và ăn thêm các bữa phụ.

Chớ hiểu sai là trẻ ăn cơm sớm sẽ cứng cáp, hoặc ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương. Nên nhớ: trẻ cần nhiều loại thức ăn khác nhau, ăn được nhiều thì trẻ sẽ mau lớn và cứng cáp dù đó là thức ăn lỏng và mềm.

Cần theo dõi cân nặng của trẻ, nếu trẻ lên cân đều đặn tức là được nuôi dưỡng tốt. Không lên cân, hoặc tụt cân, tức là có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng.