Chuyến công tác của Ban thư ký phong trào mở rộng dinh dưỡng đến Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội Việt Nam

Cập nhật: 8/17/2016 - Lượt xem: 16547

Phong trào SUN mà Việt Nam là một thành viên đã xác định suy dinh dưỡng có nhiều nguyên nhân và cần phối hợp sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều đối tác phát triển. Điều đó thể hiện thông qua cam kết của các nước thành viên trong việc xây dựng được quan hệ hợp tác đa ngành để có thể mở rộng các giải pháp và can thiệp dinh dưỡng đã được chứng minh là có hiệu quả.

Vai trò của các đại biểu Quốc hội như là một chủ thể chính là vô cùng quan trọng khi họ có thể sử dụng vị trí ảnh hưởng của mình để duy trì và lan rộng những cam kết cho dinh dưỡng thông qua xây dựng các luật lệ, giám sát, lập ngân sách và đại diện ở các cấp họ được bầu. Tiếng nói của đại biểu Quốc hội còn có tầm ảnh hưởng khu vực và toàn cầu khi họ chia xẻ các kinh nghiệm và quan điểm của mình trên các diễn đàn toàn cầu có đề cập đến các vấn đề về dinh dưỡng.

Các nhà lãnh đạo châu Á bao gồm cả các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã nhận ra được vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc xây dựng luật pháp về quyền của trẻ em với dinh dưỡng và phát triển. Quốc hội Việt Nam là cơ quan trung ương để đảm bảo quyền của trẻ em, xây dựng luật, giám sát việc thực thi luật và thu thập các ý kiến quần chúng về việc thực hiện các chính sách. Quốc hội đã thông qua các điều luật để kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho các bà mẹ và luật Quảng cáo nhằm bảo vệ, hỗ trợ thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ. Viện Nghiên cứu lập pháp và các đối tác chính khác là những cơ quan nòng cốt đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc thông qua các điều luật từ khi xây dựng cho đến khi được biểu quyết tại Quốc Hội.

                                                       Hình ảnh tại chuyến công tác

Bà Thahira Mustafa, Chuyên viên chính sách của Ban thư ký SUN toàn cầu (trụ sở tại Geneva) đã có chuyến công tác tại Việt Nam và làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc Hội) và một số đại biểu Quốc hội đã và đang là những “Đại sứ về Dinh dưỡng” của Việt Nam. Buổi làm việc còn có sự tham gia của Viện Dinh dưỡng, UNICEF và Alive&Thrive. Bà Thahira hy vọng với chuyến làm việc này sẽ ghi nhận được những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc vận động cho dinh dưỡng thông qua các đại biểu Quốc hội để các nước thành viên của SUN có thể học tập. Bà đã được tiếp kiến PGS Đinh Xuân Thảo (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) và GS Dương Trung Quốc, người đã rất nổi tiếng với Bức thư ngỏ của các công dân chưa biết nói đến các đại biểu Quốc hội đòi “Quyền được bú tí mẹ”.

“Đành rằng luật không cấm bán và cũng chẳng cấm mua, nhưng quảng cáo, nhất là trên tivi khiến mẹ chúng cháu yên tâm rằng, có con bò nó thay mình nuôi con rồi thì thôi cho con bú, đỡ phiền phức bận bịu lại giữ được tí đẹp cho người lớn mà quên mất chúng cháu… Chúng cháu e rằng, các bác đại biểu lỡ tay bấm nút cắt đi một nửa suất thời gian (chỉ cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi) thì sau này chúng cháu lớn lên mà trì độn hơn các bác thì hại cho nước quá” – trích thư ngỏ

Dinh dưỡng nước nhà và nhiều thế hệ công dân mới đã và sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ những đại biểu Quốc hội đầy lòng nhân ái này.

 TS. Huỳnh Nam Phương

Ban thư ký SUN – Việt Nam/Viện Dinh dưỡng