Giới thiệu dự án RAS/6/073 tại Việt nam

Cập nhật: 10/10/2016 - Lượt xem: 12388

Dự án RAS/6/073 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã được sự chấp thuận của 9 nước tham gia, trong đó có Việt nam. Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia là cơ quan trực tiếp triển khai dự án này tại Việt Nam.

Với tiêu đề của Dự án là “Sử dụng kỹ thuật đồng vị để giám sát thực trạng và các can thiệp cải thiện dinh dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, hoạt động đầu tiên là “Đánh giá khẩu phần sữa mẹ ở trẻ 3- 6 tháng tuổi bằng kỹ thuật đồng vị ổn định”. Hoạt động này đã được triển khai dưới hình thức một đề tài nghiên cứu khoa học.

Với nguồn ngân sách từ Chương trình Mục tiêu phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, được sự đồng ý của Bộ Khoa học Công nghệ và sự chấp thuận của Hội đồng đạo đức Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, đề tài đã được bắt đầu triển khai từ tháng 6/2015 tại 5 xã thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thiết kế nghiên cứu là theo dõi theo chiều dọc (Follow up). Đối tượng là các cặp mẹ- con trẻ từ 3 đến 6 tháng, đáp ứng tiêu chuẩn chọn mẫu (tuổi của bà mẹ từ 18- 35, trẻ sinh đủ tháng, cân nặng sơ sinh > 2500g, trẻ không bị suy dinh dưỡng, và bà mẹ đồng ý tham gia nghiên cứu). Có 2 nhóm tham gia là, nhóm nghiên cứu bao gồm 50 cặp mẹ- con đang thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, nhóm chứng gồm 50 cặp mẹ- con đã thực hiện cho trẻ ăn thức ăn bổ sung.

Sau khi điều tra sàng lọc, các cặp mẹ- con đáp ứng đủ tiêu chuẩn chọn mẫu đã được mời tham gia nghiên cứu. Ở nhóm nghiên cứu, bà mẹ được uống nước đồng vị ổn định vào ngày đầu tiên tham gia nghiên cứu (ngày 0). Sau đó, mẫu nước bọt của cả mẹ và con được thu thập ở 6 ngày tiếp theo ((ngày thứ 1, 2, 3, 4, 13, 14). Cũng tại thời điểm 2 tuần nghiên cứu này, bà mẹ được phỏng vấn thực trạng nuôi con bằng sữa mẹ bằng Bộ câu hỏi thiết kế sẵn (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới). Sau đó, mẫu nước bọt được phân tích bằng kỹ thuật đồng vị ổn định để ước tính lượng sữa mẹ mà trẻ đã bú, và đánh giá trẻ có bú mẹ hoàn toàn hay không. Với cặp mẹ- con ở nhóm chứng, mẫu nước bọt cũng được thu thập và khẩu phần thức ăn bổ sung của trẻ cũng được đánh giá bằng kỹ thuật đồng vị.

Kết quả đánh giá khẩu phần sữa mẹ bằng kỹ thuật đồng vị ổn định sẽ được so sánh với kết quả thu được bằng phương pháp phỏng vấn bà mẹ, nhằm mục đích hiệu chỉnh Bộ câu hỏi đánh giá nuôi con bằng sữa mẹ để áp dụng trong thời gian tới, góp phần đánh giá hiệu quả và chính xác thực trạng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở các bà mẹ Việt nam.

Hiện nay, đề tài đã kết thúc thu thập số liệu tại thực địa và chuẩn bị xử lý- phân tích mẫu nước bọt bằng kỹ thuật đồng vị ổn định theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA). Số liệu cuối cùng sẽ được tích hợp với các nước khác để có báo cáo chung tổng thể của cả Dự án và kết quả nghiên cứu sẽ được xuất bản trên Tạp chí khoa học Quốc tế.


TS. Trần Thúy Nga và PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền - Viện Dinh dưỡng Quốc gia