Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khoẻ, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19

Cập nhật: 10/16/2021 - Lượt xem: 6768

Viện Dinh dưỡng phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16 đến ngày 23/10/2021, với chủ đề là "Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khoẻ, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19".

Dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng đề kháng cho cơ thể

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng và điều trị COVID-19. Dinh dưỡng cũng là một giải pháp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể. Đồng thời giúp công tác phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Vào ngày 16 tháng 10 hàng năm, Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) phát động Ngày Lương thực thế giới nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèo và đói, về sử dụng hợp lý lương thực và thực phẩm.

Để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng phòng chống dịch bệnh và triển khai có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng, giai đoạn 2011 – 2020, hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới năm nay, Viện Dinh dưỡng phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16 đến ngày 23/10/2021, với chủ đề là "Dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để nâng cao sức khoẻ, góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19".

Đây là dịp để đẩy mạnh triển khai các hoạt động giáo dục truyền thông - vận động xã hội nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về dinh dưỡng hợp lý nói chung và dinh dưỡng hợp lý cho những người mắc COVID-19 nói riêng, lựa chọn và chế biến thực phẩm, khuyến khích thực hiện lối sống năng động, lành mạnh.

Thông điệp truyền thông năm nay tập trung vào các nội dung:

 1. Đảm bảo khẩu phần ăn trong ngày đủ về số lượng, cân đối, hợp lý về chất lượng, chú ý thịt, cá, trứng, rau xanh và quả chín để cung cấp chất đạm, vitamin và chất khoáng giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. 
       
 2. Người mắc COVID-19 cần được quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, chú ý cách chế biến thực phẩm để dễ ăn, dễ tiêu, ngon miệng và không bỏ bữa, giúp phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng;
    
 3. Đặc biệt lưu ý những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con bú.
    
 4. Không ăn mặn; Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua và sử dụng. 
    
 5.  Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên, uống đủ nước, thực hiện các biện pháp phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế
    
 6. Sản xuất và sử dụng thực phẩm hợp lý, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm tránh lãng phí góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức khoẻ, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Nguyễn Hạnh - Báo Sức khoẻ & đời sống