1. Đo huyết áp
Đo huyết áp là biện pháp đơn giản, hiệu quả và là cách sớm nhất để biết tình trạng tăng huyết áp. Ngày nay, có nhiều thiết bị đo huyết áp điện tử, giá thành tương đối hợp lý, do đó, người dân có thể tự đo huyết áp tại nhà một cách dễ dàng. Một số nhà thuốc luôn có sẵn máy đo huyết áp tại quầy, nếu không có máy đo huyết áp tại nhà, người dân có thể đo tại các quầy thuốc hoặc tại các cơ sở y tế.
2. Hướng dẫn cách đo huyết áp tại nhà
Số đo Huyết áp phụ thuộc vào các yếu tố gì:
- Huyết áp của chúng ta phụ thuộc vào sức co bóp của tim, sức cản của động mạch và lưu lượng máu qua tim.
- Huyết áp còn phụ thuộc vào tư thế của chúng ta khi đo huyết áp (huyết áp khác nhau khi ta đo ở tư thế ngồi, nằm hay đứng) và chế độ ăn uống, sinh hoạt (chế độ ăn mặn, nhiều mỡ, uống rượu/bia, hút thuốc lá/thuốc lào, căng thẳng... gây gia tăng nguy cơ tăng huyết áp).
Vì thế, các chỉ số huyết áp chúng ta đo được có thể khác nhau giữa các lần đo, đặc biệt khi sử dụng máy đo huyết áp điện tử. Chẳng hạn, đêm hôm trước chúng ta ngủ muộn, dậy sớm đo huyết áp sẽ khác với một đêm ngủ ngon, đủ giấc; huyết áp khi chúng ta ăn no sẽ khác với khi đói bụng.
Khi đo huyết áp tại nhà ta nên chú ý một số điểm sau:
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.
- Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
- Đi tiểu trước khi đo huyết áp.
- Chuẩn bị và kiểm tra tình trạng của máy đo huyết áp, đảm bảo máy đã có pin (đối với máy đo huyết áp điện tử) hoặc còn sử dụng tốt (đối với máy đo huyết áp cơ), và đảm bảo đã biết sử dụng máy đo.
Lưu ý khi đo huyết áp tại nhà:
- Để so sánh huyết áp giữa các lần đo chính xác nhất thì nên so sánh các giá trị huyết áp được đo cùng thời điểm, cùng tư thế. Lý tưởng là có người nhà đo huyết áp giúp bạn.
- Khuyến khích dùng huyết áp kế điện tử để đo và theo dõi huyết áp tại nhà vì nó tương đối dễ sử dụng, kết quả đảm bảo độ tin cậy. Huyết áp kế thủy ngân hoặc huyết áp kế đồng hồ sử dụng phức tạp hơn và nếu dùng không đúng cách có thể gây ra sai số khi đo và vỡ nhiệt kế thủy ngân. Hai loại này thường được sử dụng tại các cơ sở y tế hơn là tại nhà.
Một số lưu ý khi đo huyết áp tại nhà (Ảnh sưu tầm internet)
Hướng dẫn đo huyết áp bằng huyết áp kế điện tử:
- Tư thế đo huyết áp: là người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn hoặc mặt phẳng, khuỷu tay để ngang mức với tim (để cao hay thấp hơn đều gây ảnh hưởng kết quả đo), lưng thẳng và tựa lưng vào ghế, bàn chân chạm hoàn toàn xuống đất, hai chân không bắt chéo nhau; cánh tay nên được bộc lộ hết, tức là để trần, không có tay áo phủ ở bên ngoài.
- Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên lằn khuỷu tay khoảng 2cm tương đương một đốt ngón tay.
- Đặt máy ở vị trí ngang mức với tim. Hoặc làm theo đúng hướng dẫn sử dụng của loại máy các bạn đang dùng về vị trí đặt, mức độ đóng chặt của dải quấn.
- Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
- Vận hành máy theo sự hướng dẫn của máy đã có sẵn và ghi lại các giá trị đo.
Ở lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
3. Một số triệu chứng cơ năng của người bị tăng huyết áp
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng, bởi vì đa phần người tăng huyết áp thường không có triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước; triệu chứngtăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng, không khác biệt so với người không mang bệnh, nhưng những biến chứng mà gây ra thì thường rất nặng nề. Một số trường hợp có thể có các triệu chứng tăng huyết áp thoáng qua như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,... Một số bệnh nhân khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn, chẳng hạn như đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.