Mắc Omicron có gặp di chứng hậu COVID-19?

Cập nhật: 3/13/2022 - Lượt xem: 5767

Theo giới khoa học, mắc COVID-19 từ Omicron ít gây viêm nên có thể không dẫn tới hội chứng hậu COVID. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ Omicron vì biến thể này vẫn có thể gây bệnh nặng và tử vong.

COVID-19 có thể làm cho sức khoẻ bị suy giảm kéo dài dai dẳng. Theo nghiên cứu, khoảng 1/4 số người bị nhiễm virus corona SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. Những bệnh nhân bị nhiễm virus có bệnh cảnh kéo dài này được WHO xếp vào nhóm "COVID kéo dài" (Long COVID).

Hiện nay, Omicron có tốc độ lây lan nhanh và đang thay thế dần biến thể Delta. Omicron vẫn là biến chủng bí ẩn với giới khoa học, mặc dù ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, tuy nhiên dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng số người vẫn có thể mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong do nhiễm biến thể này. Bên cạnh dấu hiệu thay đổi so với Delta, người nhiễm virus biến thể Omicron cũng có nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài.

Omicron có tốc độ lây lan nhanh và đang thay thế dần biến thể Delta.

1. Omicron là gì?

Omicron là tên một loại biến thể mới của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên trong mẫu xét nghiệm tại Botswana vào ngày 11/11/2021 và tại Nam Phi vào ngày 14/11/2021. Ban đầu, đây là biến thể B.1.1.529 nhưng đến ngày 26/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron.

Omicron được phân loại vào biến thể đáng lo ngại vào ngày 30/11/2021 tại Mỹ. WHO cho biết, các biến thể của Omicron bao gồm: BA.1, BA.1.1, BA.2, BA.3 và các dòng phụ khác. Omicron là biến thể có nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2.

2. Omicron gây ra các triệu chứng

+   Ho

+   Sổ mũi.

+   Mệt mỏi.

+   Viêm họng.

+   Đau đầu.

+   Đau cơ.

+   Sốt.

+   Hắt xì.

+   Giảm cảm giác thèm ăn.

+   Giảm khả năng vị giác.

+   Giảm khả năng khứu giác.

+   Thở nặng nhọc.

+    Đau bụng.

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng người mắc Omicron gặp phải. Ảnh minh họa

3. Biến thể Omicron ủ bệnh bao lâu?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó, chỉ khoảng 3 ngày. Các triệu chứng thường bao gồm ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi.

Hiện vẫn chưa rõ thời gian người bệnh có thể lây lan virus cho người khác là trong bao lâu.

4. Omicron có gây triệu chứng COVID kéo dài?

Tháng 10/2021, WHO đã đưa định nghĩa mới về hội chứng COVID kéo dài. Đây là tình trạng có thể xuất hiện sau đợt mắc COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.

Các triệu chứng phổ biến gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, song, cũng có nhiều triệu chứng khác và thường ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Hội chứng COVID kéo dài có thể xuất hiện ngay cả với F0 bị bệnh nhẹ, không triệu chứng.

Theo chuyên gia y tế cho biết, hiện tại chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra F0 nhiễm Omicron gặp phải các triệu chứng khác thường sau khi khỏi bệnh. Omicron gây mắc COVID-19 có xu hướng bệnh nhẹ, song không có nghĩa tỷ lệ người nhiễm chủng này mắc hội chứng COVID kéo dài sẽ giảm hơn so với biến thể trước đó là Delta hay Alpha.

"Còn quá sớm để biết người nhiễm Omicron có triệu chứng COVID kéo dài không và nó khác biệt thế nào. Trong giai đoạn cấp tính, mệt mỏi nghiêm trọng và đau cơ là những triệu chứng nổi bật, có thể trở thành di chứng ở người nhiễm Omicron”, Zing dẫn lời nhà nghiên cứu Lancelot Pinto (Bệnh viện PD Hinduja & MRC, Mumbai).

Theo giới khoa học, Omicron có vẻ ít gây bệnh nghiêm trọng nhưng không nên coi nhẹ.

Trong khi đó, TS Anthony Fauci (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ) khẳng định, ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ, người nhiễm Omicron vẫn có nguy cơ bị di chứng sau đó. “Long COVID có thể xảy ra ở bất kỳ biến chủng virus nào. Không có bằng chứng về sự khác biệt giữa Delta, Beta hay Omicron”, ông Fauci nói.

Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (Los Angeles, Mỹ) chỉ ra người nhiễm virus corona SARS-CoV-2, ngay cả bệnh nhẹ, cũng có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch kéo dài. Các kháng thể tự động được kích hoạt sau khi nhiễm nCoV và tồn tại theo thời gian. Điều này lý giải ngay cả người mắc bệnh nhẹ cũng gặp phải các di chứng hậu COVID-19.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho rằng, mặc dù Omicron có vẻ ít gây bệnh nghiêm trọng, nhưng nó vẫn đang cướp đi mạng sống của nhiều người trên thế giới. Ông nhấn mạnh cơn sóng thần của các ca bệnh rất lớn, nhanh, nó đang áp đảo hệ thống y tế trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa biến chủng Omicron vẫn sẽ ám ảnh chúng ta ngay cả khi độc lực yếu hơn.

5. Giải pháp bảo vệ cơ thể chống lại Omicron

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra. Đến nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp là do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành bao gồm cả Omicron, mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của COVID-19.

Ngoài việc tiêm vaccine, tất cả các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, tránh không gian kín, hoặc tập trung đông đúc người… tất cả đều cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn