1. Khám tại cơ sở y tế
Đến khám tại cơ sở y tế định kỳ, khám theo lịch hẹn hoặc ngay khi có các triệu chứng/dấu hiệu nghi ngờ tăng huyết áp. Hoặc đến khám nếu tự theo dõi các trị số HA tại nhà cho kết quả nghi ngờ (HA tối đa trên 130mmHg, HA tối thiểu trên 85 mmHg).
2. Tuân thủ điều trị
Tuân thủ điều trị và theo dõi huyết áp thường xuyên là một nguyên tắc tối quan trọng trong điều trị và kiểm soát tăng huyết áp. Có đến khoảng 90% tăng huyết áp hiện nay là tăng huyết áp vô căn nguyên phát (tức là chỉ xác định được bệnh nhân có tăng huyết áp nhưng không thể tìm ra nguyên nhân của tăng huyết áp) vì thế người bị tăng huyết áp thường phải dùng thuốc hạ áp cả đời.
Ở người tăng huyết áp, kể cả khi huyết áp về bình thường thì vẫn phải uống thuốc. Chính vì thế, người bệnh nên dùng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian và đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Không tự ý phối kết hợp các loại thuốc hoặc tăng giảm liều thuốc trong quá trình điều trị hoặc tự ý bỏ thuốc khi thấy huyết áp đã giảm.
Đi khám định kỳ theo đúng lịch hẹn, và tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị bao gồm cả việc dùng thuốc và các lời khuyên về sinh hoạt, ăn uống. Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp thì việc sử dụng các loại thuốc khác, kể cả các loại thuốc đông y đều cần lời khuyên của bác sỹ.
3. Thực hiện Chế độ Dinh dưỡng hợp lý
Vì tăng huyết áp gây ra nhiều biến chứng về tim, mạch thậm chí có thể gây tử vong nên ngoài việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, chế độ ăn hợp lý là một biện pháp quan trọng để kiểm soát huyết áp cũng như hạn chế các biến chứng.
Điều quan trọng đầu tiên trong chế độ ăn của người bị tăng huyết áp là ăn giảm muối (ăn nhạt). Khuyến nghị hiện nay của Viện Dinh dưỡng, mỗi người Việt Nam trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối một ngày. Đối với người tăng huyết áp thì tổng lượng muối hàng ngày giảm dưới mức này có thể có tác dụng làm giảm 2-8 mmHg. Do đó, người tăng huyết áp nên hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như dưa, cà muối, thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, khoai tây chiên, bánh mặn, các loại thức ăn nhanh...Khi mua đồ ăn chế biến sẵn, hay đồ ăn đóng gói, việc đọc nhãn thực phẩm để biết thực phẩm đó có bao nhiêu muối là một thực hành tốt và được khuyến nghị với người bị tăng huyết áp.
Ngoài ra, người tăng huyết áp cũng nên hạn chế các loại phủ tạng động vật như tim, lòng, óc, mỡ động vật, bơ là những thực phẩm nhiều mỡ có thể gây tăng cân, không tốt cho người tăng huyết áp; hơn nữa còn nhiều các chất béo không tốt như cholesterol hay chất béo bão hòa, là tác nhân chính gây thuyên tắc mạch. Việc uống rượu bia nên hạn chế ở mức tối đa 1 lít bia hay 360ml rượu vang hoặc 90ml rượu mạnh một ngày đối với nam và dưới 700ml bia hoặc 240ml rượu vang hoặc 60ml rượu mạnh đối với nữ. Cafein có trong cà phê, nước tăng lực hoặc sô-cô-la nên hạn chế dưới 300mg/ngày. Ví dụ 250ml nước tăng lực có 80mg cafein; 1 lon cà phê đóng sẵn có 90mg cafein, 100g socola có 43mg cafein… Không sử dụng các chất kích thích này khi huyết áp đang cao hoặc chưa được kiểm soát.
Ngược lại, người tăng huyết áp nên ăn các loại thực phẩm tự nhiên, hoặc gần với dạng nguyên bản nhất của chúng ví dụ như gạo, ngô, khoai, sắn, khoai củ các loại, đậu đỗ và rau quả tươi các loại. Các thực phẩm nhiều acid béo như Omega 3, 6, 9 như cá, hải sản các loại nên được ăn 3-4 lần một tuần. Trên thế giới có một loại chế độ ăn gọi là chế độ ăn DASH được thiết kế riêng cho người tăng huyết áp đã được chứng minh làm giảm 8-14mmHg của huyết áp. Chế độ này thiết kế những bữa ăn nhiều rau quả (giàu kali, magie...), sản phẩm từ sữa ít béo (giàu canxi), tăng khẩu phần cá, thịt gia cầm, các loại hạt và thực phẩm nguyên hạt (giàu canxi, magie...), giảm thiểu hấp thụ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol, hạn chế muối, đồ ngọt, thức uống có ga và các loại thịt đỏ. Ở Việt Nam có một số loại thực phẩm có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như lá vông, hạt sen, ngó sen cũng có thể tốt đối với người tăng huyết áp.
Thực đơn tham khảo cho người bị tăng huyết áp (nguồn Viện Dinh dưỡng)
Khi đã biết được nguyên tắc ăn uống cơ bản cho người tăng huyết áp như trên, từng người có thể so sánh với chế độ ăn hiện tại của mình để xem mình cần điều chỉnh gì, sau đó, việc điều chỉnh chế độ ăn cần được tiến hành từ từ, dần dần từng ngày để đảm bảo việc thay đổi thói quen ăn uống theo hướng có lợi được tiến hành lâu dài, có thể duy trì lâu dài.
4. Hoạt động thể lực phù hợp
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, việc tập luyện, vận động thường xuyên, có lối sống năng động cũng được coi là một biện pháp kiểm soát huyết áp không dùng thuốc ở người tăng huyết áp. Vận động thể lực giúp điều hòa lượng cholesterol máu, kiềm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu, giảm sức cản máu ngoại biên, từ đó giảm huyết áp.
Người tăng huyết áp không nên vận động khi huyết áp đang cao hay không kiểm soát được. Và đặc biệt tránh việc vận động quá sức (thể hiện bằng việc không thể thở hay nói chuyện trong khi tập mà phải ngừng lại để thở hay nói chuyện) ở người tăng huyết áp, điều này có thể gây ra các biến chứng của huyết áp cao đã đề cập ở phần trước. Việc tập luyện hợp lý với người tăng huyết áp có thể giúp giảm 4-9mmHg tuy nhiên, với việc vận động phù hợp, liên tục khoảng 2 - 3 tháng huyết áp mới bắt đầu hạ xuống. Loại vận động nên chọn phù hợp với từng độ tuổi, giới, đặc điểm sinh hoạt và đặc biệt là tình trạng huyết áp của từng người. Người tăng huyết áp ở mức trên 160/90 mmHg nên uống thuốc hạ áp trước 15-30 phút trước khi vận động thể lực.
Tổng thời gian thực hiện các loại hoạt động thể lực nên ở mức 30-60 phút/ngày, kết hợp các bài tập cơ tĩnh và động và ở các mức độ gắng sức khác nhau.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh và duy trì cân nặng ở mức hợp lý
Ngoài điều chỉnh chế độ ăn và vận động, việc ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào kể cả các dạng khác như hút thuốc lá điện tử, nhai, ăn… cũng như tránh xa môi trường có khói thuốc cũng có tác dụng kiểm soát huyết áp. Hạn chế uống rượu, bia các loại và duy trì cân nặng phù hợp theo khuyến nghị của bác sỹ.
6. Hỗ trợ/điều chỉnh tâm lý
Người bị tăng huyết áp nên tìm hiểu về bệnh để tự biết cách thực hiện các thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, luôn giữ trạng thái tâm lý ổn định, cân bằng, tránh bị các kích động hoăc sang chấn gây ảnh hưởng đến tâm lý, là những yếu tố ảnh hưởng rất nhanh và rất lớn đến huyết áp. Sự ủng hộ và hỗ trợ của người thân, bạn bè và đồng nghiệp với người bị tăng huyết áp trong việc điều chỉnh lối sống cũng là yếu tố góp phần giúp người tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp của họ và có cuộc sống có chất lượng tốt hơn.