1. Định nghĩa của ngành y tế
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (hay còn gọi là huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (hay còn gọi là huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg.
Ở đây, chúng ta hiểu là chỉ cần 1 trong 2 chỉ tiêu, hoặc huyết áp tối đa từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tối thiểu từ 90 mmHg trở lên là đã đủ tiêu chuẩn đánh giá tăng huyết áp và bác sỹ cần có các tư vấn và điều trị phù hợp rồi, không nhất thiết phải cả hai chỉ tiêu huyết áp này trên ngưỡng mới coi là tăng huyết áp.
2. Cách hiểu của người dân tại cộng đồng
Theo cách hiểu của người dân thì thông thường tăng huyết áp thường gặp hơn ở người cao tuổi hoặc người có các bệnh nền phối hợp khác: bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường đường, béo phì, mỡ máu... Tuy nhiên hiện nay độ tuổi trung bình của người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng thấp, nghĩa là người tăng huyết áp đang bị trẻ hoá, người trẻ cũng có thể bị tăng huyết áp.
Hiểu một cách nôm na, tăng huyết áp là khi huyết áp của chúng ta vượt ngưỡng bình thường nên có, nếu không được điều trị phù hợp thì tình trạng tăng huyết áp khiến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể chúng ta hoạt động không bình thường, lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, suy thận, đái tháo đường.
Tăng huyết áp còn thường được mọi người gọi là "Tăng huyết áp" hoặc "huyết áp cao".
Quan niệm trước đây cho rằng, cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng.... Tuy nhiên quan niệm này chưa đúng vì triệu chứng của tăng huyết áp rất thầm lặng, khi xuất hiện các triệu chứng này thì có thể người bệnh đã mắc bệnh một thời gian và đã dẫn đến biến chứng nặng nề. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp một cách tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…