24,9 phần trăm trẻ dưới 5 tuổi hiện nay có chiều cao thấp

Cập nhật: 2/5/2015 - Lượt xem: 12652

Hàng năm, Viện Dinh dưỡng thường đưa ra số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) dưới 5 tuổi theo các chỉ số: suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân (tính theo cân nặng/tuổi), SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi). Số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em được phân tích theo chỉ số nhân trắc học của WHO năm 2006. Đây là những con số quan trọng phản ánh chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Số liệu được thu thập theo một quy trình khoa học, theo nguyên tắc chọn mẫu ngẫu nhiên 30 cụm/tỉnh và toàn bộ 63 tỉnh/ thành phố của Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Đơn vị thực hiện thu thập số liệu là do Trung tâm Y tế Dự phòng với sự tham gia của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe các tỉnh/ thành cùng với sự chỉ đạo về chuyên môn và giám sát của Viện Dinh dưỡng, các Viện khu vực như: Viện Vệ sinh Y tế Công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên và Tổng cục Thống kê. Số liệu về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trẻ em sẽ đại diện cho từng tỉnh/ thành phố và trong phạm vi toàn quốc.

Tháng 1/2015, Viện Dinh dưỡng công bố số liệu về tỷ lệ SDDTE < 5 tuổi năm 2014 của toàn quốc hiện nay như sau: tình trạng SDD thể nhẹ cân giảm từ 15,3 % năm 2013 xuống 14,5% năm 2014, SDD thể thấp còi giảm từ 25.9 %  xuống 24,9% (năm 2014).

Tỷ lệ SDDTE có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, cao nhất là khu vực Tây Nguyên SDD cân nặng/tuổi là 22,6%, chiều cao/tuổi 34,9%, Trung du và miền núi phía Bắc SDD cân nặng/tuổi là 19,8%, chiều cao/tuổi 30,7%. Tỷ lệ SDD tính theo cân nặng/tuổi, chiều cao/tuổi cao nhất vẫn tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa: với Tây Nguyên là 2 tỉnh Kon Tum SDD cân nặng/tuổi là 23,9%, chiều cao/tuổi là 39,7% và Gia Lai SDD cân nặng/tuổi là 24,3%, chiều cao/tuổi là 35,4%; miền núi phía Bắc là tỉnh Lai châu SDD cân nặng/tuổi là 23,2%, chiều cao/tuổi là 36,9% và tỉnh Hà Giang SDD cân nặng/tuổi là 23,1%, chiều cao/tuổi 35,2%.

Một số tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế phát triển, dân trí cao thì tỷ lệ SDDTE < 5 tuổi giảm nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại đang gia tăng, số tỉnh có tỷ lệ thừa cân béo phì trên 10% là Bình dương (13,4%), TP. Hồ Chí Minh (12,6%), Quảng Nam (10,8%), tại Hà Nội tỷ lệ này chỉ chiếm 5,4%.

Từ số liệu về tình trạng SDDTE < 5 tuổi sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách về phát triển kinh tế xã hội của từng cấp, từng ngành và từng địa phương đề ra các giải pháp can thiệp kịp thời để giảm tỷ lệ SDD trẻ em một cách bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi người Việt Nam. Một trong những giải pháp quan trọng và bền vững là tăng cường hoạt động truyền thông về dinh dưỡng, nhằm mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết, để từng bước thay đổi thái độ, hành vi về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và nâng cao tầm vóc con người Việt Nam. Vì vậy, việc đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả và đúng hướng cho hoạt động giáo dục truyền thông là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em.

Bs. Nguyễn Văn Tiến_Viện Dinh dưỡng