An ninh thực phẩm trong tình hình biến đổi khí hậu

Cập nhật: 10/13/2016 - Lượt xem: 5881

Biến đổi khí hậu (BĐKH):

Nguyên nhân của biến đổi khí hậu (BĐKH) trái đất bao gồm cả tự nhiên và nhân tạo. Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc, 90% nguyên nhân của hiện tượng BĐKH là do con người gây ra, làm nóng bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính. BĐKH toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao, là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, công nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là sự xuất hiện của hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm… và khan hiếm lương thực, thực phẩm và nước ngọt. Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng từ 2,0 - 4,5oC, mực nước biển sẽ tăng lên 0,18m - 0,59m; Sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới bị khó khăn về nước sạch, trên 1 tỷ người bị thiếu lương thực và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng; Đến năm 2025, khoảng 5 tỉ người có thể sẽ sống trong những khu vực có nguy cơ căng thẳng, xung đột liên quan đến nước và lương thực; Đến năm 2050, khoảng 150 triệu người có thể phải di dời khỏi những khu vực duyên hải do nước biển dâng cao, bão, lụt hoặc nước nhiễm mặn.

Việt Nam là 1 trong 3 nước (cùng Campuchia và Bangladesh) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng cao. Gần đây hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng mạnh, gây ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài. Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số (17 triệu người). Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của khu vực này sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỷ USD.

Biến đổi khí hậu và an ninh thực phẩm (ANTP):

Ở Việt nam, sau hơn 30 năm đổi mới, sản xuất LTTP ở nước ta đã có bước phát triển nhanh. Việt Nam đã xác định đảm bảo được ANLT Quốc gia. Hiện nay, chúng ta đã liên tục xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và dự kiến năm 2016 xuất khẩu 5,7 triệu tấn.

Tuy nhiên, nước ta còn chưa có được an ninh thực phẩm hộ gia đình và cá thể, nhất là an ninh dinh dưỡng (ANDD) và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sản xuất, dự trữ và phân phối lưu thông LTTP còn gặp những trở ngại lớn. Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất rất nặng nề về người và của, nhiều vùng, nhiều người lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và SDD. Ở những vùng thường xuyên bị thảm họa thiên tai, vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, vùng Tây nguyên, người dân đã nghèo lại bị nghèo hơn; Khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mọi nhà và mọi người. Hậu quả nhãn tiền nhất là trẻ em bị SDD và luôn bị đe dọa của bệnh tật và tử vong. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng sẽ vẫn bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội sẽ thấp, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm khi trưởng thành và lại sinh ra thế hệ kế tiếp bị tật nguyền hoặc SDD.

Chiến lược quốc gia Việt Nam về biến đổi khí hậu:

Ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 2139/QĐ-TTg) nêu rõ, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Mục tiêu cụ thể của chiến lược gồm: (1) Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu; (2) Nền kinh tế cácbon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; (3) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội; (4) Góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 08 tháng 01 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 44/QĐ-TTg về phê duyệt Khung ma trận chính sách năm 2014 thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò đảm bảo ANTP:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu tác động của BĐKH, lồng ghép yếu tố BĐKH vào chiến lược và quy hoạch và phát triển của ngành, đồng thời đã tổ chức xây dựng và triển khai “Khung chương trình trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2008-2020”. Ở nước ta, nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu thông qua các chiến dịch truyền thông, thông tin công cộng và giáo dục để thay đổi hành vi của cộng đồng; bảo vệ lá phổi xanh của nhân loại bằng cách phủ xanh đồi núi trọc, chống phá rừng; bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, xây dựng và củng cố hệ thống đê điều để ngăn ngừa hiện tượng nước biển dâng cao; khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thuỷ điện,...chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường...

Để đảm bảo an ninh thực phẩm cho các hộ gia đình và từng cá thể, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Y tế cùng các Bộ Ngành liên quan thực hiện Chiến lược Quôc gia Dinh dưỡng 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung cụ thể bao gồm:

* Đảm bảo sẵn có LTTP, có thường  xuyên liên tục và bất kể ở đâu, trong điều kiện nào, để các hộ gia đình cũng có thể có đủ thực phẩm cần thiết:

Tăng dự trữ LTTP ở mọi cấp độ để kịp thời cứu trợ cho các vùng gặp thiên tai; Tăng cường và đa dạng hóa sản xuất LTTP tự cung tự cấp, bao gồm sản xuất nông sản ở ngoài đồng ruộng và sản xuất Vườn, Ao và Chuồng nuôi (VAC); đa dạng ngành nghề nông thôn; Xây dựng mô hình phát triển kinh tế và tạo nguồn thực phẩm tại chỗ nhằm đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm thích hợp cho từng vùng; Nghiên cứu và phổ biến công nghệ sau thu hoạch chú trọng quy mô hộ gia đình; Xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo sớm nguy cơ mất an ninh dinh dưỡng, thực phẩm hộ gia đình, hệ thống giám sát biến động giá cả thực phẩm; Xây dựng kế hoạch để đáp ứng kịp thời trong tình trạng khẩn cấp.

* Đảm bảo cung cấp thực phẩm ổn định, vững bền cho các hộ gia đình:

Tăng cường lưu thông để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm ổn định về số lượng và chất lượng. Đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống kho tàng dự trữ LTTP ở hộ gia đình và ở địa phương, đề phòng thất bát và thiên tai. Cải tạo thị trường vốn có và xây dựng thêm thị trường mới như chợ và các cửa hàng, tạo điều kiện cho từng cụm dân cư có thể thường xuyên mua bán trao đổi thực phẩm tiện lợi, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa bị cô lập do các điều kiện tự nhiên hoặc do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, cần thiết phải sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới hệ thống giao thông cả đường bộ và đường thủy để tạo điều kiện vận chuyển lưu thông phân phối trao đổi mua bán LTTP trong phạm vi địa phương và với các địa phương khác.

* Đảm bảo cho các hộ gia đình tiếp cận bền vững với LTTP cần thiết, bổ dưỡng và an toàn:

Đảm bảo cho mọi người có khả năng tiếp cận hoặc tự sản xuất hoặc mua đủ lương thực, thực phẩm cần thiết; Tăng cường truyền thông giáo dục về dinh dưỡng hợp lý để nhân dân biết cách lựa chọn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng tốt, đề phòng ngộ độc ăn uống.

Về dinh dưỡng, triển khai có hiệu quả CLQGDD 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2030:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa có chứa đựng những yếu tố bất bình đẳng, đô thị hóa nhanh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số: 226/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 02 năm 2012) với mục tiêu: Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Nội dung cơ bản của Chiến lược đã và đang được triển khai rộng rãi trong cả nước gồm: Đẩy mạnh giáo dục truyền thông cải thiện kiến thức và thực hành chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe; Phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; Chủ động chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe cho phụ nữ có thai; Tập trung ưu tiên chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ ngay sau khi sinh đến 24 tháng tuổi; Chăm sóc tốt các bà mẹ cho con bú; Triển khai có hiệu quả các chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng như toàn dân sử dụng muối i ốt, bổ sung vitamin A, sắt,...; Xây dựng và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường nhất là bữa ăn trưa ở các trường học; Chủ động phòng chống thừa cân-béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm./.

Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng