Bữa ăn ngày tết đối với người bệnh đái tháo đường

Cập nhật: 1/28/2015 - Lượt xem: 5661

Tết đến, Xuân về, một năm vất vả sắp trôi qua, chúng ta lại bồi hồi đón năm mới với mong ước một năm nhiều may mắn, hạnh phúc. Ngày Tết là dịp gia đình, bạn bè xum họp, gặp gỡ thăm hỏi và nâng chén rượu xuân. Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hoàn toàn có thể vui vẻ, yên tâm ăn bữa cơm với người thân nếu chuẩn bị tinh thần và có kế hoạch ăn uống cho bản thân trước khi đón Tết. 

            
Mâm cơm gia đình ngày tết

Ngày Tết thường mọi người đến chúc Tết, giờ giấc thay đổi, Người ĐTĐ nên cố gắng đảm bảo ăn theo giờ nhất định, tránh bỏ bữa. Bữa cơm tất niên, các gia đình thường làm mâm cơm cũng gia tiên, hóa vàng, chờ mọi người đến đông đủ, thời gian đến bữa ăn kéo dài có thể dẫn đến hạ đường huyết. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý, có thể ăn tạm thứ gì đó như 1 quả quýt nhỏ, hay 1 chiếc bánh qui trong khi chờ đợi.

Ngày Tết là dịp thưởng thức các món ăn ngon, chế biến công phu, chúng ta cần chú ý giữ chế độ ăn (số lượng thực phẩm) không bị thay đổi nhiều so với ngày thường, tránh ăn nhiều quá hoặc ăn ít quá. Các bữa ăn của người bị ĐTĐ luôn cần đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường, nhóm đạm, nhóm béo, rau và hoa quả. Một số món ăn truyền thống trong ngày Tết như xôi, bánh chưng có chứa nhiều chất bột đường, vì vậy cần lưu ý chỉ ăn vừa đủ, giữ lượng chất bột đường ổn định trong các bữa ăn, không nên ăn nhiều (Nếu ăn 1 phần 8 chiếc bánh chưng, non nửa bát xôi thì lượng tinh bột tương đương với khi ăn 1 lưng bát cơm tẻ). Các món ăn như măng, chả, giò xào, thịt đông có nhiều chất béo, nên ăn số lượng vừa phải. Súp lơ, su hào trong bát canh bóng, miếng măng, dưa hành, hoặc các loại nộm đều là những món ăn ngon chế biến từ rau, rau có tác dụng giúp cho tinh bột trong bữa ăn hấp thu chậm hơn, và trong ngày Tết ăn các món giò, chả, thịt các loại, người bệnh ĐTĐ nên tăng cường ăn nhiều rau. Mặc dù ngày Tết có nhiều loại hoa quả ngon, nhưng nên ăn hạn chế theo lời khuyên của bác sĩ tư vấn, không nên uống nước ép hoa quả có đường. Ngoài ra, mứt bí, mứt dừa, táo và các loại bánh, kẹo là những món đồ ăn của ngày Tết, những thức ăn này có nhiều đường, sẽ làm đường máu tăng nhanh, chỉ nên ăn (1-2 miếng/ngày). Khi đi chúc Tết, thăm hỏi, bên chén trà, vui câu chuyện cùng hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười…. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng những loại hạt này chỉ nến nhấm nháp vui vẻ, vì khi ăn nhiều khi có cảm giác đến bữa mà vẫn không đói. Đó là vì những món ăn này cung cấp chất béo, có nhiều năng lượng do vậy nên ăn số lượng ít, tránh thừa năng lượng.

Bạn bè, họ hàng, người thân lâu ngày không gặp, bận quanh năm, đến ngày Tết mới có dịp gặp nhau, nhiều khi không thể thiếu chén rượu, cốc bia. Trong một ngày, người mắc ĐTĐ có thể uống khoảng 200ml bia (nửa lon bia), hoặc 70ml rượu vang (1 ly rượu nhỏ), hoặc nếu uống rượu nếp tự nấu hoặc rượu mạnh như Vodka 40 độ cồn, thì chỉ có thể uống khoảng 1 chén con 30ml. Lưu ý rằng đây là số lượng trong một ngày, cho nên nếu uống nhiều lần thì phải chia nhỏ số lượng. Chỉ uống rượu bia sau khi đã ăn được 1 lúc. Nếu uống rượu bia say có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Nếu tụ tập bạn bè ăn uống, nhiều khi nể nhau lại dẫn đến ăn quá nhiều, uống quá chén, vì vậy, báo trước với mọi người rằng mình bị mắc bệnh ĐTĐ sẽ tránh bị ép ăn uống quá độ.

Ngày Tết thường coi là thời gian nghỉ ngơi, nhưng tránh rơi vào trạng thái kém vận động, nên duy trì các hoạt động thể lực ở mức có thể đi bộ khi thăm hỏi, chúc Tết, hoặc tận dụng thời gian chú ý vận động. Ngược lại, đối với một số người, ngày Tết lại bị vận động nhiều quá như lễ chùa,… lúc đó chúng ta nên ăn đủ và có thể ăn nhiều hơn một chút, mang theo thức ăn phòng bị hạ đường máu, những thực phẩm phòng hạ đường máu có thể là hoa quả, bánh kẹo, hoặc hộp sữa.

Với sự chuẩn bị về ăn uống như vậy, người bệnh ĐTĐ có thể cùng gia đình thực sự có những bữa ăn ngày Tết vui vẻ. Mùa xuân sắp đến, chúc mỗi người chúng ta có một Năm Mới tràn đầy sức khỏe, an khang, thịnh vượng.

                                                          Ts. Bs. Nghiêm Nguyệt Thu_Viện Dinh dưỡng