Phát triển VAC giúp cải thiện bữa ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống

Cập nhật: 5/24/2017 - Lượt xem: 5383
VAC là một mô hình canh tác tổng hợp, trong đó các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm là các hoạt động chính. Các hoạt động này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo nên một một hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý hơn nguồn tài nguyên đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp. Vì vậy, mô hình VAC có thể được quản lý và phát triển như một mô hình sản xuất tổng hợp, khép kín phi chất thải, các sản phẩm từ VAC phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của con người.

Tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương và điều kiện của từng hộ gia đình, hệ thống VAC có thể đầy đủ cả 3 thành phần V, A, C hoặc chỉ có 2 thành phần như VA, VC hoặc AC. Mô hình VAC là một hệ thống canh tác kết hợp truyền thống và hiện đại, nó giúp đảm bảo thu nhập kinh tế ổn định, tạo công ăn việc làm và đặc biệt tạo ra nguồn lương thực thực phẩm dồi dào, sẵn có, giàu dinh dưỡng và an toàn để cải thiện chất lượng bữa ăn của gia đình.

Về mặt kinh tế : nhiều xã của vùng đồng bằng sông Hồng, thu nhập của nhiều hộ dân từ canh tác VAC chiếm tới 70% tổng thu nhập của gia đình và thu nhập gấp từ 3-5 lần so với trồng lúa 2 vụ/ năm trong cùng một diện tích. Ở các xã thuộc vùng núi phía Bắc (Thái Nguyên) thu nhập từ sản xuất VAC cao gấp 2 lần so với thu nhập từ trồng lúa.

Nhiều gia đình đã trở nên giàu có nhờ phát triển và khai thác VAC. Kinh tế VAC có một tiềm năng rất lớn, cần xem nó như là một trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đối với những người dân nghèo và những nhóm người dễ bị tổn thương thì mô hình VAC cũng rất phù hợp khi nguồn lực của họ không thể đáp ứng cho việc sản xuất quy mô lớn hay quy mô trang trại. VAC giúp họ xóa bỏ tình trạng đói và giảm tình trạng nghèo và chủ động nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng ngay trong các khu vườn của riêng họ.

Về mặt dinh dưỡng và bữa ăn: Về nguyên tắc, một bữa ăn đa dạng, cân đối phải đủ 4 nhóm thực phẩm với nhiều loại thực phẩm phong phú được sử dụng cho bữa ăn hàng ngày của người dân. Canh tác VAC là canh tác với đa dạng nhiều loại cây trồng, vật nuôi nên nó cung cấp nguồn thực phẩm rất đa dạng, sẵn có quanh năm theo mùa vụ để bổ sung vào bữa ăn gia đình.

An ninh thực phẩm ở cấp hộ gia đình khi sẵn có nguồn thực phẩm, cũng như khả năng tiếp cận thực phẩm của hộ gia đình. Mỗi gia đình phải được tiếp cập đủ thực phẩm giàu dinh dưỡng để đảm bảo cho tất cả các thành viên trong gia đình có cuộc sống năng động và khỏe mạnh. Thực phẩm cho bữa ăn gia đình có thể từ sản phẩm của VAC hoặc mua bằng tiền bán các loại cây trồng vật nuôi từ VAC. Tuy nhiên, an ninh thực phẩm tốt nhất và an toàn nhất là từ một khu vườn, chăn nuôi tạo ra nguồn thực phẩm thường xuyên, liên tục cho gia đình tiêu dùng quanh năm.

Thực phẩm tạo ra từ VAC đã góp phần giúp cải thiện chất lượng bữa ăn của các gia đình như các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, bầu bí, trái cây có múi...), hay trứng, cá, thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong các gia đình.

Từ kết quả các cuộc điều tra tại Cẩm Bình, Hải dương (1996) và Định Hóa, Thái Nguyên (2003) về vai trò của VAC với dinh dưỡng, cho thấy khẩu khần ăn của gia đình được cải thiện rõ rệt. Cụ thể như sau:  Cá tăng 2,7 lần; Thịt các loại tăng 2,0 lần; Trứng (gà, vịt) tăng 2,5 lần; Trái cây tăng 2,1 lần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của nhóm trẻ 5-6 tuổi của nhóm hộ đia đình có  VAC thấp hơn nhóm không canh tác VAC là 1,4 lần.
 

Phát triển VAC giúp cải thiện chất lượng bữa ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh minh họa)

Về mặt xã hội: VAC ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan tới đói nghèo. Phát triển VAC giúp tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thực hành VAC sẽ tạo công ăn, việc làm trước tình trạng nông nhàn hiện nay (tình trạng thiếu việc làm hiện nay ở các khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao). Nhờ phát triển VAC góp phần làm giảm bớt áp lực di cư của người dân nông thôn đi các thành phố kiếm sống. VAC cũng cung cấp các sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho người cao tuổi khi về hưu với đồng lương hưu thấp. Thực hành mô hình VAC tạo ra cơ hội làm việc trong một môi trường lành mạnh và tiếp cận với thực phẩm tươi và an toàn, góp phần cải thiện điều kiện sức khỏe của con người.

VAC tạo nguồn thực phẩm, nó có thể giải quyết vấn đề thiếu đói trong các thời kỳ “giáp hạt” giữa các vụ thu hoạch. Đặc biệt ở những nơi bão lụt, thiên tai thì các loại rau, củ có thể được gieo trồng và phát triển nhanh chóng thu hoạch trong một thời gian ngắn.

Thực hành VAC cho phép các bà mẹ làm việc trong vườn, gần nhà và có thêm nhiều thời gian chăm sóc con. Người già và người mắc bệnh mãn tính khi làm vườn VAC nhẹ nhàng giúp họ cải thiện sức khỏe, lao động kết hợp với giải trí tốt hơn, thư giãn tinh thần hơn với thiên nhiên.

Nhiều trường mẫu giáo đã phát triển vườn cây vừa có sản phẩm để cải thiện bữa ăn giàu chất dinh dưỡng cho trẻ em, vừa là nơi để các cháu học tập, tham gia hoạt động thể chất lành mạnh.

Phát triển hệ sinh thái VAC giúp tăng thu nhập gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào, giàu chất dinh dưỡng góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, trước hết là bữa ăn của bà mẹ và trẻ em. Mặt khác, các sản phẩm VAC được sử dụng hiệu quả vào bữa ăn gia đình góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe người dân chỉ khi người nội trợ nắm được kiến thức dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng đúng như: ăn uống hợp lý, ăn đa dạng các loại thực phẩm, biết lựa chọn và chế biến bữa ăn ngon lành.

Bs. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng