Cây Vối là cây thân gỗ có tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus, cây nhỡ, cao trung bình 5 - 6 m, cành non, tròn hay hơi hình 4 cạnh nhẵn, lá có cuống, dài 8 – 20 cm, rộng 5 – 10 cm. Hai mặt lá có những đốm màu nâu, cuống dài 1- 1,5 cm. Hoa gần như không có cuống, màu lục trắng nhạt hợp thành cụm hoa hình tháp tỏa ra ở những lá đã rụng. Quả hình cầu hay hơi hình trứng, đường kính 7 – 12 mm, xù xì. Lá, cành non và nụ vối có mùi thơn đặc biệt dễ chịu của vối. Cây vối được trồng và mọc tự nhiên ở các Tỉnh nước ta, chủ yếu ở vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ ngoài ra còn thấy ở một số nước nhiệt đới Châu Á và Trung Quốc. Cây vối vừa có tác dụng cho bóng mát, lá và nụ vối được ủ nấu nước uống từ lâu đời, dân dã, được nhiều người yêu thích.
Cây vối Hải Hậu, vùng nguyên liệu của Viện Dinh dưỡng
Ngày hè nước vối không chỉ là thức uống giải nhiệt mà còn có rất nhiều công dụng như chữa mất ngủ, khó tiêu…. Người làng quê vốn thân thiện, chỉ ấm nước vối, vài ba câu chuyện là khắp xóm làng vang rộn tiếng cười. Trưa hè, tranh thủ trước khi ra đồng, dưới gốc đa đầu làng nhà có miếng trầu, nhà tích nước vối thế là bao mệt nhọc tan biến. Tối về, dưới ánh trăng tỏ bát nước vối cùng chuyện làng trên xóm dưới, tiếng trẻ nô đùa cứ âm vang mãi… Thế mới biết tình làng nghĩa xóm giản đơn đâu cần cầu kỳ, câu nệ và lại thêm hiểu tại sao mỗi lần nghĩ về bát nước vối bao người đã bồi hồi nhớ da diết cố hương.
Khác với chè xanh uống tươi mới ngon, lá vối già hái xuống phải phơi thật khô giòn thì nước mới đậm và thơm ngon. Nụ vối cũng tương tự thế, thường người ta phơi mấy nắng cho thật khô, cho vào túi nilon bảo quản và để uống dần. Lá và nụ vối hãm đúng cách là phải dùng loại tích sứ, nước vừa sôi trên bếp gạn vào rồi đậy chặt ủ trong ấm giỏ. Đợi một lúc cho ngấm và tỏa mùi thơm mới dùng được. Cây vối có hai loại vối tẻ lá to có màu xanh thẫm, vối nếp lá nhỏ hơn, có màu vàng xanh. Vối nếp cho nước ngon và thơm hơn nhiều. Cây vối to nhưng chỉ cho nụ vào mùa xuân. Đợi tới khi nụ bằng hạt đậu người ta hái xuống phơi khô và bảo quản làm quà biếu hoặc uống dần. Ngày tôi còn nhỏ, quê tôi thi thoảng còn có nhà trồng vối. Nhưng rồi dần dần tận những vùng quê yên ả cũng bị kinh tế thị trường làm xáo động. Đất quý như vàng, thế là những cây vối cũng theo đó mà mất đi thay vào đó là nhà, là quán… Gần đây có dịp về nông thôn công tác tôi thấy cây vối đã hiếm dần. Nhiều người bảo trồng cây vối nó chiếm diện tích mà đem bán cũng chẳng được bao nhiêu. Phần nữa, người uống nụ vối và lá vối đã giảm đi nên cũng ít người chú ý đến thứ cây này.
Trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Hợp tác nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất một số thực phẩm chức năng phục vụ bệnh nhân đái tháo đường từ nguyên liệu Việt Nam” Viện Dinh dưỡng đã có dịp đi khảo sát vùng nguyên liệu nụ vối tỉnh Nam Định nhưng nổi tiếng hơn cả là vối nếp từ huyện Hải Hậu nơi vẫn còn số lượng lớn các cây vối đến tuổi thu hoạch và đặc biệt là những cây vối lâu năm, Ở đây, cây vối thường mọc hoặc được trồng ở vườn, hay bờ ao, bờ mương ở khắp làng các xã như Hải Long, Hải Trung, Hải Toàn, Hải Anh và Hải Đường. Dẫu hiện nay vối không còn là thứ nước uống phổ biến như xưa, nhưng nhiều gia đình nông thôn ở Huyện Hải Hậu vẫn dùng hàng ngày, nhiều gia đình khá giả coi thưởng thức nước vối là "sành điệu". Đồng thời, nụ vối khô Hải Hậu còn được các thương lái thu mua cung cấp nụ vối khô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhân dân trong cả nước.
Viện Dinh dưỡng đã thu thập lấy mẫu nụ vối Hải Hậu và kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hàm lượng hoạt chất sinh học (polyphenol và flavonoid), các chỉ tiêu lý hóa và vi sinh cho thấy chất lượng nụ vối Hải Hậu ổn định và đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, sau khi làm việc với UBND Huyện, Trung tâm Y tế dự phòng Hải Hậu, Viện Dinh dưỡng đã chính thức chọn Hải Hậu là vùng nguyên liệu, hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch và bảo quản theo quy trình của Viện đồng thời làm việc với Hội Khuyến nông Huyện, các xã và bà con nông dân nhằm duy trì và trồng mới cây vối trên các diện tích đất phù hợp tại địa phương. Gần đây, hàng năm Viện thường xuyên đặt hàng thu mua của bà con nông dân Hải Hậu nụ vối khô phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Viện Dinh dưỡng đã kết hợp với trường Đại học Phụ nữ Nhật Bản nghiên cứu về các tác dụng của Nụ vối trong hỗ trợ phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Trong suốt 6 năm các nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm đến các thử nghiệm trên chuột đái tháo đường, trên bệnh nhân đái tháo đường đã cho thấy Nụ vối có tác dụng bình ổn đường huyết lâu dài, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống oxy hóa, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP). Đây chính là cở sở khoa học để Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa kết quả nghiên cứu vào việc phát triển sản xuất và phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng Trà Vối JAVI dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường đáp ứng nhu cầu cải thiện tình trang dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Lê Văn Chi – Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Sưu tầm)