Dự án hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ có sự tham gia của ba xã nông thôn Việt Nam

Cập nhật: 5/26/2017 - Lượt xem: 9808

HỖ TRỢ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG & SỨC KHOẺ THÔNG QUA GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN NƯỚC SẠCH CÓ SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG TẠI 3 XÃ NÔNG THÔN VIỆT NAM

(Tên tiếng Anh: Participatory approach for contribution to improvement of safe water, nutrition and health environment in three rural communes in Vietnam)

Dự án do Viện dinh dưỡng thực hiện thông qua Viện khoa học & đời sống quốc tế Nhật Bản - Trung tâm tăng cường sức khỏe (ILSI Japan-CHP) với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo chương trình đối tác phát triển (JPP). Dự án được thực hiện trong 3 năm từ tháng 11/2005 đến tháng 11/2008.

Mục tiêu dài hạn của dự án:

Nâng cao tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường sống lành mạnh cho nhân dân nông thôn thông qua hoạt động có sự tham gia của cộng đồng đối với việc cung cấp nước sạch.

Mục tiêu cụ thể:

1. Nâng cao nhận thức và thái độ đối với dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm, nước sạch và an toàn trong các hộ gia đình ở cộng đồng.

2. Tối ưu hóa và duy trì bền vững quy trình xử lý nước dùng cho ăn uống đạt tiêu chuẩn Việt Nam (Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch, 2005 của Bộ Y tế) cung cấp tới hộ gia đình.

3. Thiết lập nên một hệ thống quản lý hiệu quả có thể duy trì bền vững việc cung cấp nước sạch cho nhân dân - thông qua sự tham gia của cộng đồng.

Địa điểm triển khai: 3 xã của Hà Nội và tỉnh Nam Định như sau:
- Mô hình 1: Xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội
- Mô hình 2: Xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội
- Mô hình 3: Xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định

Tóm tắt nội dung hoạt động:

Dự án có 2 chương trình trọng tậm xuyên suốt các hoạt động của dự án là:
- Chương trình kỹ thuật: Huy động cộng đồng cùng tham gia Cải tạo trạm cấp nước sẵn có của các điểm dự án theo nhu cầu ưu tiên của địa phương về chất lượng hay số lượng nước cung cấp. Hỗ trợ kỹ thuật vận hành xử lý nước và quản lý nước sạch tại địa phương để duy trì bền vững việc cung cấp nước sạch

- Chương trình truyền thông: Bằng nhiều hình thức: truyền thanh, tờ tin, tranh lật, hội thảo... với các nội dung thông điệp dễ hiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch & dinh dưỡng dự án đã và đang gửi tới người dân đặc biệt là bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại các điểm dự án những kiến thức bổ ích để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em & người dân tại cộng đồng. Từ đó người dân càng hiểu rõ lợi ích của việc duy trì trạm cấp nước sạch của thôn, xã và tham gia tích cực vào việc duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp nước sạch cũng như các hoạt động vệ sinh & dinh dưỡng tại gia đình & cộng đồng.

Kết quả đạt được:

- Nhận thức và hiểu biết của người dân nông thôn về nước sạch dùng cho ăn uống sẽ được nâng cao và chương trình có sự tham gia của cộng đồng sẽ được duy trì nhằm cải thiện thực hành chăm sóc sức khỏe và nâng cao tình trạng dinh dưỡng.

- Các tài liệu giáo dục truyền thông về dinh dưỡng và nước sạch sẽ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng và trở thành yếu tố tích cực làm thay đổi hành vi của người dân trong công việc chăm sóc sức khỏe.

- Các cán bộ về nước sạch và nhân viên vận hành được đào tạo bài bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hệ thống nước. "Ban Quản lý nước" sẽ trở thành tổ chức nòng cốt ở cộng đồng trong các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe thông qua các giải pháp đảm bảo nước sạch. Đây sẽ là một mô hình điểm cho việc nhân rộng ra các vùng nông thôn khác ở Việt Nam.