Chế độ ăn giảm muối đã giúp làm giảm huyết áp như thế nào?

Cập nhật: 10/9/2018 - Lượt xem: 2994

Thận có chức năng bỏ bớt lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, gọi là nước tiểu. Khi ăn thừa muối, hàm lượng muối trong lòng mạch máu tăng cao hơn bình thường và làm mất sự cân bằng muối trong cơ thể, khiến thận phải thải muối cùng với nước qua nước tiểu. Nếu phải làm việc trong một thời gian dài, thận sẽ trở nên yếu đi. Do vậy chế độ ăn giảm muối giúp giảm gánh nặng làm việc cho thận. Còn khi đã bị tăng huyết áp, thông thường sẽ được điều trị với các thuốc lợi tiểu để thải được nhiều nước hơn khỏi cơ thể. Nếu kết hợp ăn giảm muối, kết quả điều trị trở nên tốt hơn.

Với mạch máu, khi ăn thừa muối, nước bị thu hút vào lòng mạch máu nhiều hơn. Khi đó, các cơ nhỏ li ti trên thành của mạch máu trở nên dày hơn, lâu dài làm thu hẹp đường kính lòng mạch, do đó huyết áp lại tăng dần lên. Do đó quá trình ăn mặn làm tăng huyết áp một cách từ từ và trong nhiều năm. Chế độ ăn giảm muối sẽ ngăn chặn quá trình này, giúp các cơ thành mạch hoạt động khỏe hơn. Hơn nữa, nồng độ muối cao trong lòng mạch còn kích thích hệ thần kinh trung ương.

Do đó chế độ ăn giảm muối được khuyến cáo cho hầu hết người có tăng huyết áp hoặc có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Khi chuyển chế độ ăn từ nhiều muối sang ít muối hơn, tùy mức độ bệnh tăng huyết áp, huyết áp có thể trở về mức bình thường. Khoa học đã chứng minh rằng nếu mỗi ngày thực hiện giảm lượng muối khoảng một nửa, huyết áp có thể giảm từ 2-3 mm thủy ngân (đơn vị dùng để chỉ về số đo huyết áp, viết tắt là mmHg). Nếu duy trì trong 1 năm thì có thể giảm tới 10 mm thủy ngân và giảm đáng kể nguy cơ các bệnh về tim mạch.

TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia