Chế độ ăn giảm muối trong tăng huyết áp

Cập nhật: 10/7/2018 - Lượt xem: 12477

Muối là chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Trong cơ thể, thận sẽ điều hòa lượng muối, và muối giúp kiểm soát cân bằng dịch, dẫn truyền thần kinh, và chức năng khối cơ. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mục tiêu chế độ ăn là mỗi người chỉ nên <5g muối/ngày. Tuy nhiên trên thực tế, theo số liệu điều tra, người Việt Nam đang tiêu thụ trung bình 9,4g/ngày,. Có ý kiến cho rằng thận có chức năng thải muối nếu chúng ta ăn thừa so với nhu cầu của cơ thể, như vậy nếu thận hoạt động bình thường thì có thể ăn muối thỏa thích. Thực ra không phải như vậy, khi ăn thừa muối, sẽ kéo nước vào lòng mạch, làm tăng thể tích dòng máu, làm huyết áp tăng lên, thậm chí còn gây  bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, khi ăn quá nhiều muối, các loại thuốc điều trị huyết áp như thuốc lợi tiểu sẽ không hoạt động tốt. Khi huyết áp tăng lên, gây rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe như đột quỵ và các biến chứng khác. Do vậy, khi bị tăng huyết áp, ăn chế độ kiểm soát muối (< 5 gram mỗi ngày) là cách nên làm để giúp hạ huyết áp. Người ta nhận thấy rằng nếu lượng muối trong bữa ăn cả ngày không vượt quá 5-6gr thì huyết áp giảm được từ 2-8 mmHg.

Tăng huyết áp thường xuất hiện khi tuổi tăng dần lên. Và nếu chế độ ăn thừa muối thì có thể gây ra tăng huyết áp ở tất cả các lứa tuổi. Do đó chúng ta luôn cần thực hành chế độ ăn hạn chế muối ngay từ khi còn trẻ để phòng ngừa nguy cơ tăng huyết áp sau này. Một số cách hạn chế lượng muối ăn vào, đầu tiên là giảm dần gia vị khi nấu ăn như lựa chọn thực phẩm, khi đó có thể dùng các loại gia vị khác như vị chua, cay, hoặc các loại rau thơm để phối hợp chế biến, tăng vị ngon của thực phẩm. Thứ 2, là hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, bơ mặn... vì những thực phẩm này đã sử dụng muối trong quá trình chế biến. Vì vậy, khi ăn những loại thực phẩm này, hoặc các món ăn sử dụng các loại thực phẩm này khi chế biến, phải nhớ kiểm soát lượng muối trong bữa ăn đó. Thứ 3 là hạn chế dùng gia vị có muối khi chấm trực tiếp trên bàn ăn như nước mắm, các loại mắm tôm, tép, tương cà chua, hoặc các loại nước sốt pha sẵn, tất cả các loại đó đều có chứa muối, vì vậy cần nếm trước, hoặc xem lượng muối trên nhãn mác thực phẩm khi sử dụng. Ngoài ra, khi đi ăn ở các quán ăn, nhà hàng, luôn nhớ kiểm soát lượng muối, vì thường dân ta vẫn có thói quen ăn mặn, nên các quán ăn thường nấu hơi đậm, do vậy, lượng muối ăn vào sẽ cao. Tóm lại, bạn nên lưu ý kiểm soát lượng muối để giúp có chế độ ăn lành mạnh, giúp phòng và kiểm soát bệnh tăng huyết áp.

TS. BS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia