Dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc khi trẻ bị sốt

Cập nhật: 12/28/2023 - Lượt xem: 2014

Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt cơ thể do rối loạn trung tâm điều nhiệt, tạo ra ngưỡng thân nhiệt bất thường, thân nhiệt trẻ em được xác định là tăng khi nhiệt độ cơ thể trên giới hạn bình thường  (từ 37,5 độ C trở lên đo ở nách, từ 38 độ C trở lên đo ở trực tràng).

Khi trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn, hoặc nhiễm virus… thường có triệu chứng sốt kèm theo quấy khóc, vật vã. Khi sốt cao chuyển hoá cơ bản tăng lên, cứ sốt tăng 1 độ C thì chuyển hoá cơ bản tăng lên 13%. Vì vậy, nhu cầu về nước, năng lượng, protid (đạm), vitamin và khoáng chất đều tăng lên. Sốt cao ức chế bài tiết các men tiêu hoá, trẻ thường biếng ăn. Do vậy, cần phải cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hoá.

Một số nguyên tắc về ăn uống khi trẻ sốt:

 -  Trẻ dưới 6 tháng tuổi: bú mẹ nhiều lần hơn, nếu trẻ không bú được mẹ vắt sữa vào cốc rồi cho trẻ uống bằng thìa.

 Trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên: ngoài bú mẹ, cho trẻ ăn bột, cháo, súp, nấu loãng hơn bình thường với thịt, trứng, tôm, cá, dầu mỡ, rau xanh,...

 Nên nấu thịt, cá, tôm  mềm hơn để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu hóa.

 Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, cả bữa chính và bữa phụ (từ 6 - 8 bữa)

 Uống thêm nước: Nước chín nguội, nước oresol pha đúng theo hướng dẫn, nước quả tươi, nước rau, sữa đậu nành, sữa công thức

 +  Không nên ăn kiêng khi trẻ sốt: khi sốt thì không phải ăn kiêng, nhưng không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn cứng, khô, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn quá nhiều mỡ kiểu chiên rán gây khó tiêu hoặc thức ăn quá nóng hay quá lạnh

 +  Khi trẻ đỡ sốt: Cho trẻ ăn dần trở lại chế độ ăn bình thường, nên tăng cả về số lượng và chất lượng bữa ăn.       

Các loại thực phẩm thường dùng cho trẻ bị sốt cao:

 Các loại quả tươi, cam, chanh, quýt, bưởi…(chứa nhiều vitamin C); dưa hấu, dưa bở, xoài…(chứa nhiều Beta-caroten).

 -  Các loại thực phẩm giàu chất đạm như sữa mẹ, sữa đậu nành, sữa bò, trứng, thịt, tôm...

 -  Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, mỗi bữa ăn đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng:

 Nhóm chất đạm: Cung cấp protein cho cơ thể chủ yếu là thịt, cá, trứng, sữa ... sử dụng các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trẻ dễ hấp thu.

 Nhóm chất béo: Sử dụng phối hợp các loại thực phẩm: mỡ, dầu, bơ...

 Nhóm tinh bột: Bao gồm ngũ cốc và khoai củ.

 Nhóm vitamin và khoáng chất: Các loại rau, quả chín.

Nên ăn đảm bảo đủ nhu cầu:

Ăn đủ năng lượng:

 Bảng nhu cầu năng lượng

Ăn đủ protein: Protein đã được xác định là chất quan trọng số một hay yếu tố tạo nên sự sống, là nguyên liệu cấu trúc, xây dựng và tái tạo các tổ chức trong cơ thể, là thành phần chính của các kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thực hiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thể phát triển cả tầm vóc và trí tuệ.

Nhu cầu protein: Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng

Nhu cầu protein cho trẻ 6 tháng -16 tuổi là 13-20% tổng năng lượng

Trong 100g phần ăn được: thịt lợn nạc có 19g protein, thịt gà ta có 20,3g protein, cá chép có 16g protein, cá hồi có 22g protein

                                                     Bảng nhu cầu protein

Ăn đủ LipidLipid là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A,D, E, K)Tiêu thụ Lipid quá thấp trong bữa ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan tổ chức trong cơ thể, đặc biệt là não bộ và thần kinh, hậu quả là chậm tăng trưởng. Ngay cả khi thức ăn bổ sung của trẻ thường được cho thêm thịt, cá, trứng vốn đã có một lượng nhất định lipid động vật rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lipid cho lứa tuổi này, vì thế khi chế biến vẫn cần phải cho cả dầu thực vật và mỡ động vật.

Nhu cầu lipid: Nhu cầu khuyến nghị lipid theo lứa tuổi như sau:

 -  Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 40-60% năng lượng tổng số

 -  Đối với trẻ 6 tháng – 2 tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 30-40%

 -  Đối với trẻ 3-5 tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 25-35%

 -  Đối với trẻ 6 tuổi đến 16 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 20-30%

 Bảng nhu cầu Lipid

 Glucid:

 -  Giai đoạn sốt trẻ thường biếng ăn, chậm tiêu, không nên ép trẻ ăn nhiều tinh bột.

 -  Nên chú ý tới chất lượng bữa ăn, không nặng về số lượng.

Nhu cầu các vitamin và chất khoáng: Theo nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.

Cách chăm sóc trẻ khi sốt:

 Việc đầu tiên cần làm là đặt trẻ nằm ở nơi phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế số lượng người đứng bao xung quanh

 Cởi bớt quần áo trên người cho trẻ, chỉ nên mặc một lớp áo mỏng, thoáng, chất vải thấm mồ hôi để giúp cơ thể dễ dàng thoát nhiệt hơn.

 -  Chườm nước ấm tích cực vùng trán, nách, bẹn để giảm sốt

 -  Nếu trẻ vẫn không hạ sốt sau khi chườm tích cực, những trẻ có tiền sử co giật do sốt, khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Acetaminophen (Paracetamol) với liều lượng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, lặp lại mỗi 4 – 6 tiếng, nếu trẻ vẫn không hết sốt không được tự ý kết hợp các loại thuốc hạ sốt khác như ibuprofen hoặc aspirin vì gây ra nhiều tác dụng phụ cho trẻ,  tốt nhất khi cần sử dụng thuốc hạ sốt nên theo tư vấn của bác sĩ.

 -  Không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ

Cách chườm ấm tích cực giúp hạ sốt:

Chuẩn bị dụng cụ

 5 khăn nhỏ, mỏng, có khả năng thấm nước tốt

 -  Nhiệt kế: điện tử hoặc thủy ngân

 -  Pha nước: nước lạnh : nước nóng với tỉ lệ 2 : 1

 -  Kiểm tra nhiệt độ nước chườm (khoảng 37 độ)

Thực hiện

 -  Vệ sinh tay sạch sẽ

 -  Để trẻ nằm ngửa trên giường

 -  Cởi bỏ bớt quần áo bộc lộ

 -  Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu tại các vị trí: trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Nên đặt 2 khăn ở 2 bên hõm nách và 2 khăn ở 2 bên bẹn của trẻ

 Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động như trên cho đến khi nhiệt độ giảm

 -  Khi nước ở trong chậu hết ấm thì thay chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ.

 -  Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 – 30 phút lau mát để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng lau khi nhiệt độ dưới 37,5 độ C

 -  Lau khô người trẻ và mặc lại quần áo mỏng, thoáng, chất dễ thấm mồ hôi

Theo dõi: Những trường hợp sốt cảnh báo nguy hiểm phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay:

 -  Sốt cao khó hạ, kém đáp ứng với các biện pháp hạ sốt như dùng thuốc hoặc lau mát tích cực…

 -  Sốt kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác như nôn ói, khó thở, giật mình hoảng hốt, lạnh tay lạnh chân…

 -  Sốt cao liên tục kéo dài hơn 2-3 ngày hoặc sốt tái đi tái lại kéo dài hơn 1 tuần.

 -  Sốt cao ở trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Trẻ em là cơ thể đang phát triển, trong lúc sốt cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt và ăn uống đúng cách, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, nhanh chóng khỏi bệnh, phòng suy dinh dưỡng.

BS CKI. Lê Thị Loan – Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em – Viện Dinh dưỡng