Hỗ trợ sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em miền núi bị lũ quét

Cập nhật: 1/27/2018 - Lượt xem: 3640

Một tuần trôi qua, mưa lớn đã gây lũ quét đặc biệt nghiêm trọng tại suối Nậm Păm (huyện Mường La, Sơn La), suối Nậm Kim (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) và nhiều nơi tại Miền núi phía Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tổng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên đã làm 31 người chết và mất tích, 21 người bị thương, 228 nhà bị sập đổ cuốn trôi.
Mưa nhiều gây lũ ống, lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Khi lũ quét gây ngập lụt các công trình vệ sinh, các chất thải của ngườigia súc, xác động động vật chết không được xử lý đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước dùng để sinh hoạt và ăn uống. Môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện mầm bệnh dễ lan truyền và phát tán gây nên một số bệnh do vi khuẩn, vi rút như: tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết... Hơn nữa, lũ ống phá hủy đường xá, cầu cống làm một số vùng bị cô lập gây nên tình trạng thiếu lương thực thực phẩm, đồng thời lương thực thực phẩm bị nước cuốn trôi, bị hư hỏng do ngập nước. Nguồn nhiên liệu, chất đốt thiếu không đủ điều kiện để ăn chín uống sôi làm sức đề kháng của con người suy giảm. Trong điều kiện dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, thì người dễ bị ảnh hưởng và tổn thương nhất chính là bà mẹ đang có thai, bà mẹ đang nuôi con bú và trẻ em.
Là một đơn vị trong ngành Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế đã cử đoàn cán bộ lên thăm hỏi và hỗ trợ sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại tỉnh Sơn La và Yên Bái. “Hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai do mưa lũ vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, công nhân viên chức toàn ngành” – Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc thiệt hại do ảnh hưởng mưa lũ vào sáng ngày 8/8/2017.

 

 PGS. TS. Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng trao sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho Trung tâm Y tế Huyện Mường La


Sáng ngày 10/8, đoàn cán bộ Viện Dinh dưỡng xuất phát từ Thành phố Sơn La đến Huyện Mường La, tại đây đoàn đã làm việc với Trung tâm Y tế Huyện Mường La, Trung tâm CSSKSS, Trung tâm YTDP, Trung tâm GDSK tỉnh để trao đổi những vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng sau thảm họa thiên tai, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp cho bà mẹ và trẻ em, đồng thời giao trách nhiệm cho Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm CSSKSSS chịu trách nhiệm cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm này cho từng đối tượng là bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, đoàn đã đến thăm hỏi một số gia đình có trẻ nhỏ tại xã Nậm Păm, cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm dinh dưỡng. Sản phẩm phục hồi dinh dưỡng bổ sung cho bà mẹ và trẻ em nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng, cân đối về dinh dưỡng là sản phẩm giàu năng lượng, giàu protein, giàu vi chất dinh dưỡng và chất khoáng. Sản phẩm phục hồi dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng hỗ trợ dùng cho 1.665 đối tượng là bà mẹ trẻ em, với giá trị 142 triệu đồng, sản phẩm gồm 4 loại với thành phần và cách sử dụng như sau:

- Viên đa vi chất dùng cho phụ nữ có thai và phụ nữ con bú chứa 15 loại vi chất dinh dưỡng, trong đó hàm lượng sắt và axit folic đủ đáp ứng nhu cầu vi chất cho đối tượng này, với liều lượng: 1 viên/ngày x 30 viên/tháng x 3 tháng/phụ nữ. Viên đa vi chất cấp cho 625 phụ nữ;

- HEBI sản phẩm cao năng lượng hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi,  sản phẩm có chứa các loại vitamin, khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị hàng ngày của trẻ, với liều lượng: 1 gói/ngày x 15 ngày/ trẻ. Số lượng HEBI cấp cho 300 trẻ;

- Gói Davin Kid là sản phẩm bổ sung protein, năng lượng và các loại vitamin và khoáng chất đảm bảo 50% nhu cầu khuyến nghị dùng cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, với liều lượng: 1 gói/ngày x 20 gói/tháng x 2 tháng/trẻ. Gói Davin Kid đủ cho 150 trẻ;

- Gói đa vi chất cung cấp 15 vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu hàng ngày của trẻ, sản phẩm dùng cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi, với liều lượng: 1 gói/ngày x 20 gói/tháng x 2 tháng/trẻ. Gói đa vi chất cấp cho 590 trẻ.


PGS. TS. Trương Tuyết Mai trao sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho gia đình có trẻ nhỏ xã Nậm Păm - Mường La


Ngay sáng sớm ngày 11/8, đoàn Viện Dinh dưỡng đến Bệnh viện huyện Mù Cang Chải, đến thăm 3 gia đình bị mất nhà cửa do lũ, đã được chính quyền địa phương bố trí ở tạm tại Viện Kiểm sát Nhân dân Mù Cang Chải, cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và hướng dẫn cách sử dụng. Sáng cùng ngày, đoàn cán bộ của Bộ Y tế do bà Đào Ngọc Dung – Phó chủ tịch Công đoàn ngành Y tế là trưởng đoàn, cùng đại diện các Cục, Vụ của Bộ Y tế như: Cục Y tế Dự phòng, Vụ Kế hoạch Tài chính... đến huyện Mù Cang Chải, vì thế đoàn cán bộ Viện Dinh dưỡng đã sát nhập cùng tham gia đi thị sát một số địa bàn bị thiệt hại do lũ. Sau buổi thị sát, đoàn về trụ sở UBND Huyện, tại đây có lãnh đạo UBND tỉnh, UBND Huyện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật... cùng các phóng viên báo chí Tỉnh Yên Bái.
Tại Hội trường UBND Huyện, về phía địa phương có ông Nguyễn Văn Khánh – Phó chủ tịch UBND Tỉnh, ông Vũ Tiến Đức – Chủ tịch UBND Huyện, Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Huyện và các ban ngành đoàn thể của địa phương tham dự. ông Khánh, đại điện cho lãnh đạo địa phương tiếp đoàn, đồng thời báo cáo tình hình thiệt hại do cơn lũ vừa qua tại 7 xã.

 

Bà Đào Ngọc Dung – PCT Công đoàn Y tế trao tiền hỗ trợ cho 9 công đoàn viên của bệnh viện Huyện Mù Cang Chải

Bà Đào Ngọc Dung đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã chia sẻ và cảm thông với những mất mát, thiệt hại về người và tài sản, những khó khăn vất vả trong khắc phục hậu quả sau thiên tai của các cấp chính quyền và người dân địa phương để từng bước sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đại diện Cục Y tế dự phòng, Vụ Kế hoạch Tài Chính... Viện Dinh dưỡng đã trao đổi với chính quyền, đồng thời nhắc nhở ngành y tế địa phương cần cố gắng khắc phục hậu quả sau lũ để đảm bảo sức khỏe người dân, duy trì ổn định các hoạt động thường xuyên như: tiêm chủng mở rộng; vệ sinh môi trường, đặc biệt là xử lý và khử trùng các chất thải của con người cũng như xác chết động vật để đảm bảo vệ sinh nguồn nước; thực hiện ăn chín uống sôi, đề phòng các bệnh và dịch có thể bùng phát…

PGS. TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã báo cáo với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Cục, Vụ về các sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cấp cho hai huyện, sản phẩm cấp cho 1.665 đối tượng là bà mẹ và trẻ em, với tổng giá trị của sản phẩm là 142 triệu đồng/huyện. Đồng thời, PGS. TS Mai cũng cho biết ngay tuần sau, Viện sẽ tiến hành điều tra khẩn cấp tại 2 huyện (Mường la, Mù Cang Chải) để có cái nhìn toàn diện về những ảnh hưởng do thiên tai đến đời sống, sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của người dân, từ đó đề ra các giải pháp can thiệp kịp thời và đặc hiệu để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.

 

 

Lãnh đạo Cục, Vụ, Viện trao sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho Bệnh Viện Mù Cang Chải

Bà Đào Ngọc Dung đại diện lãnh đạo Bộ Y tế trao tiền ủng hộ cho lãnh đạo địa phương, trao tiền hỗ trợ cho 9 công đoàn viên của Bệnh viện Huyện Mù Cang Chải bị thiệt hại do lũ mỗi gia đình 5 triệu/đồng. Lãnh đạo Cục, Vụ, Viện trao dụng cụ vật tư trang thiết bị y tế, trao thuốc và sản phẩm hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng cho Bệnh Viện Huyện, đồng thời giao trách nhiệm cho Bệnh viện sử dụng vật tư trang thiết bị, thuốc đạt hiệu quả cao trong phòng chống bệnh sau lũ, cấp phát và hướng dẫn sử dụng sản phẩm dinh dưỡng tới bà mẹ và trẻ em.

Sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, cùng đồng bào cả nước để chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân địa phương bị thiệt hại do thiên tai, điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách để người dân sớm khắc phục được hậu quả, khôi phục lại sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống. Nghành Y tế địa phương cần chủ động phòng chống một số bệnh dịch dễ xẩy ra sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da… đồng thời tăng cường công tác truyền thông về: thực hiện ăn chín uống sôi, không sử dụng thực phẩm đã bị ẩm mốc, thực hiện vệ sinh môi trường: làm sạch nhà cửa, thau rửa nguồn nước sạch… đảm bảo cho bữa ăn của người dân no đủ, không bị đói… đặc biệt ưu tiên cho bữa ăn của bà mẹ và trẻ em.

                                                         Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia