Hội thảo Báo cáo kết quả đánh giá giữa kỳ Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2011 đến 2015 và định hướng Kế hoạch hành động dinh dưỡng 2016 đến 2020

Cập nhật: 3/24/2016 - Lượt xem: 4391

Ngày 18/03/2016, được sự đồng ý của Bộ Y tế  và sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Viện Dinh dưỡng đã tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả đánh giá giữa kỳ Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2011-2015 và định hướng Kế hoạch hành động dinh dưỡng 2016 – 2020”.

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 70 đại biểu là đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Dân tộc Miền núi, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các tổ chức liên hiệp quốc (UNICEF, WORLD BANK, WHO, FAO, UN), các tổ chức phi chính phủ (Alive and Thrive, World Vision, Helen Keller International, Health Bridge, Irish Aid), các hiệp hội liên quan khác (Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam), trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Y tế Dự phòng một số tỉnh.

Giáo sư Gary Gleason chuyên gia UNICEF Quốc tế đã tiến hành đánh giá độc lập và đưa ra bản thảo về báo cáo sơ kết giữa kỳ Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2015. Bản báo cáo đã chỉ ra những kết quả đạt được so với mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng trong 5 năm qua. Hầu hết các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2015 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm tương đối nhanh và liên tục. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực liên tục đạt mức giảm SDD từ 1,8 đến 2%/năm, góp phần đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tỷ lệ SDD trẻ em vào năm 2015. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn cao, mặc dù đã giảm từ 29,3% (2010) xuống còn 24,9% (2014). Bên cạnh đó, chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan và những mặt hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt được. Trong đó, các yếu tố tác động ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và công tác dinh dưỡng như biến đổi khí hậu, vấn đề toàn cầu hóa, đô thị hóa, dân số, cắt giảm sự hỗ trợ của quốc tế. Trong quá trình thực hiện hoạt động liên quan dinh dưỡng phục vụ cho mục tiêu Chiến lược, còn thiếu sự phối hợp liên ngành, chưa có Ban Chỉ đạo Trung ương, thiếu sự đầu tư nguồn lực cho một số giải pháp, một số chương trình hoạt động thiếu tính lồng ghép, triển khai chưa hiệu quả. Các đại biểu đã góp ý, chia sẻ các ý kiến đóng góp hữu ích cho bản Báo cáo đánh giá sơ kết giữa kỳ Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng. Đồng thời,các nhóm thảo luận cũng đã bàn thảo về định hướng xây dựng Kế hoạch hành động dinh dưỡng giai đoạn 2016-2020.

Thông qua các ý kiến, góp ý của các Bộ ngành, các tổ chức nhà nước và tổ chức quốc tế, Viện Dinh dưỡng với vai trò là đầu mối dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế dự kiến hoàn thành chi tiết bản Báo cáo đánh giá sơ kết giữa kỳ giai đoạn 2011-2020 và bản Kế hoạch hành động dinh dưỡng 2016-2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu và mục tiêu đã đề ra của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng 2011-2020 tầm nhìn 2030.

Một số hình ảnh tại hội nghị