Vi chất dinh dưỡng-thực trạng và giải pháp hiện nay

Cập nhật: 5/25/2016 - Lượt xem: 8576

Vi chất dinh dưỡng là thuật từ được đề cập nhiều trong thời gian gần đây trong báo cáo ngành dinh dưỡng, trong các lớp tập huấn chuyên ngành, cũng như trên truyền thông đại chúng…. Vậy vi chất dinh dưỡng là gì? Tại sao vi chất dinh dưỡng lại thu hút được sự quan tâm của cộng đồng như vậy? Người Việt Nam có bị thiếu vi chất dinh dưỡng không? Thiếu thì gây hậu quả gì và nếu thiếu thì nhà nước và người dân cần làm gì? Những câu hỏi đó nhất thiết cần có giải đáp và chiến lược giải quyết.

Vi chất dinh dưỡng là thuật từ chung chỉ các loại vitamin và chất khoáng mà cơ thể con người cần cho các chức năng sống trong suốt cuộc đời. Nói cách khác vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng không thể thiếu được. Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin như vitamin A, D, E, K, vitamin C, các vitamin nhóm B và các khoáng chất như sắt, kẽm, i ốt, selen... Việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm, mặc dù rất khó phát hiện, song có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thiếu sắt và I ốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10-15 điểm. Chính vì các hậu quả nghiêm trọng nói trên, thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng sẽ làm tăng năng suất lao động dẫn tới tăng lương từ 5-50% và giúp tới 33% trẻ em có thể thoát nghèo khi trưởng thành (trung tâm Thống kê quốc tế Đan Mạch, 2012).

Ở Việt Nam, tình hình thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề thiếu có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi 31,2%, nông thôn (28,4%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng cao hơn ở miền núi (16,1%), nông thôn (13,1%) và thấp hơn ở thành thị (8,2%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao tới 69,4%, đặc biệt rất cao ở miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%) và ở thành thị có thấp hơn nhưng vẫn khá cao (49,7%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng rất cao chiếm 63,6%, tỷ lệ này ở miền núi là 73,4%, nông thôn là 60,3%, và thành thị là 54,5%. Các số liệu trên cho thấy  ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay có gần 1/3 bị thiếu máu và hơn 2/3 bị thiếu kẽm. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi dù tỷ lệ có thấp hơn so với thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm nhưng vẫn nằm ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo ngưỡng đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới. Như vậy, theo ước tính Việt Nam có  khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, thì số trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng là gần 1 triệu. Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện, khi các triệu chứng biểu hiện rầm rộ thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và đôi khi thiếu vi chất dinh dưỡng để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được. Thanh toán được thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng  cho nhu cầu cơ thể. Theo điều tra  của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.

Vậy người dân cần làm gì để ngăn ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng và nhà nước cần phải có những chiến lược gì để hỗ trợ giải quyết tình trạng trên?

1. Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi (63 tỉnh/thành) và trẻ từ 37-60 tháng tuổi (ở 22 tỉnh khó khăn) được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1-2/6 và ngày 1-2/12. Chương trình phòng chống thiếu máu thiếu sắt quốc gia đã được triển khai nhiều năm với sự hỗ trợ viên sắt và acid folic của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) góp phần làm giảm tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, khi nguồn hỗ trợ viên sắt không còn, chương trình gặp khó khăn khi triển khai trên địa bàn toàn quốc. Các chương trình bổ sung đa vi chất, cấp phát viên đa vi chất cho phụ nữ tiền mang thai, phụ nữ có thai cũng đã được triển khai. Trẻ em suy dinh dưỡng tại các xã trọng điểm thuộc 18 tỉnh khó khăn đã được nhận các sản phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Người dân cần tích cực mang con tham gia ngày vi chất dinh dưỡng để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.


Nhân viên y tể cho trẻ em uống vitamin A (ảnh minh hoạ)

2. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn được bổ sung I ốt, sắt, kẽm, vitamin A và phân phối trên toàn quốc. Đây là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là cho một lượng nhất định (thường ở mức 30% nhu cầu vi chất dinh dưỡng ở người trưởng thành) vào thực phẩm nhiều người ăn nhất. Mục đích chính của tăng cường vi chất vào thực phẩm là “trả lại giá trị dinh dưỡng” với các vi chất dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm nhưng đã bị mất do quá trình chế biến. Với chương trình tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, nhà nước đã tạo các chính sách hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng đồng thời kiểm soát hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm, chất lượng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dường khi lưu thông trên thị trường. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và I ốt vào dầu ăn, bột mỳ và muối. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm đóng góp cho sức khỏe người dân bằng cách sản xuất và phân phối các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo đúng quy chuẩn, quy định của nhà nước. Người dân chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan.

3. Đa dạng hóa bữa ăn sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Đây cũng là giải pháp chiến lược dài hạn cần phấn đấu đạt được và duy trì bền vững. Sử dụng đầy đủ các loại thực phẩm từ bốn nhóm thực phẩm, cân đối khẩu phần ăn, chú ý các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cho chi phí giá thành lớn nhất do các thực phẩm có giá trị sinh học cao thường có giá đắt (ví dụ hải sản giàu I ốt, kẽm, thịt đỏ giàu sắt) và người dân ở nông thôn, miền núi hoặc các vùng khó khăn ít có cơ hội tiếp cận thường xuyên trong khi nhu cầu vi chất dinh dưỡng là nhu cầu hàng ngày.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được triển khai thường xuyên và đẩy mạnh thông qua các hoạt động dinh dưỡng được Chính phủ phê duyệt như Kế hoạch Hành động Dinh dưỡng quốc gia năm 1995-2000, Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2001-2010, Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2010-2020. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm uống bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày là cần thiết nhằm ngăn chặn nạn đói tiềm ẩn đang có nguy cơ ảnh hưởng tới tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.

Ths. Bs. Trần Khánh Vân, Ts. Bs. Trần Thúy Nga-Viện Dinh dưỡng