Trẻ suy dinh dưỡng ở miền núi là do thiếu ăn cả về lượng và chất

Cập nhật: 10/13/2016 - Lượt xem: 10109
SKĐS - Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), chiều ngày 11/10, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát động "Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 - 23/10 năm 2016 với thông điệp: “Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”.

Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi tập trung ở vùng nông thôn và miền núi

Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng, bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc nghèo đói là nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta.

Năm 2015, ước tính hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5% (5,97% năm 2014) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%. Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.

PGS.TS Lê Danh Tuyên cho biết, sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về suy dinh dưỡng.

Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%.
 
Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, khẩu phần ăn thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng là một trong những nguyên nhân lớn khiến trẻ em bị suy sinh dưỡng

Cũng theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị. Nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ,...dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng...

Vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đang còn tồn tại. Cứ  4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Có 43% trẻ em dưới 2 tuổi (tức là trong 1000 ngày vàng đầu đời) bị thiếu máu do đói nghèo.

Cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị thiếu máu chủ yếu tập trung ở miền núi. Thiếu máu chủ yếu do thiếu sắt. Đối với phụ nữ sinh đẻ, để giải quyết thiếu máu không chỉ giải quyết vấn đề thiếu Vitamin mà cần giải quyết vấn đề môi trường, như nhiễm giun,..
 
Phát triển Vườn – Ao – Chuồng tăng thu nhập, cải thiện chất lượng bữa ăn

Theo PGS.TS Lê Thị Bạch Mai - Viện Phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2016 đưa ra thông điệp cho trong chiến dịch truyền thông năm nay là: Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu’’. Theo đó, thông điệp nhằm thực hiện 6 mục tiêu sau:

1. Đảm bảo cho các hộ gia đình tiếp cận bền vững với lương thực thực phẩm cần thiết, bổ dưỡng và an toàn.

2. Cung cấp lương thực thực phẩm thường xuyên, liên tục, ổn định và bền vững cho các hộ gia đình.

3. Chủ động phát triển VAC để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng cho gia đình.

4. Bữa ăn đa dạng từ nhiều loại thực phẩm, thay đổi cách chế biến đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý và an toàn cho sức khỏe.

5. Ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.

6. Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai cho biết, để nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt, cần sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành. Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn người dân về k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển Vườn- Ao - Chuồng (VAC) gia đình nhằm đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch, tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn.

Theo Thanh Loan - suckhoedoisong.vn