Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ 2016 - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Cập nhật: 8/2/2016 - Lượt xem: 5677
Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) gắn liền với 17 mục tiêu của Phát triển bền vững (SDG 2015)

1.       Xóa nghèo: NCBSM là cách tự nhiên và chi phí thấp để nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Mọi người đều có khả năng chi trả cho thực hành này và không gây gánh nặng kinh tế cho gia đình so với các phương thức nuôi dưỡng nhân tạo khác. NCBSM góp phần giảm nghèo.


2.       Xóa đói: NCBSM hoàn toàn và tiếp tục đến 2 tuổi hoặc lâu hơn sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng có chất lượng cao và đầy đủ năng lượng, từ đó phòng chống đói, thiếu dinh dưỡng, và thừa cân béo phì. NCBSM đồng nghĩa với an ninh thực phẩm cho trẻ nhỏ.


3.       Sức khỏe tốt: NCBSM cải thiện có ý nghĩa tình trạng sức khỏe, sự phát triển và khả năng sống còn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó góp phần cải thiện sức khỏe và thể chất cho bà mẹ cả trong ngắn hạn và về lâu dài.



4.       Giáo dục chất lượng cao: NCBSM và ăn bổ sung hợp lý là nền tảng cho việc học hành của trẻ. NCBSM và thức ăn bổ sung có chất lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển tinh thần và nhận thức của trẻ do đó thúc đẩy việc học hành khi lớn lên.


5.       Bình đẳng giới: NCBSM đảm bảo sự công bằng để mỗi đứa trẻ có được khởi đầu tốt nhất và giống nhau. NCBSM là quyền riêng của các bà mẹ và họ cần được xã hội hỗ trợ để cho con bú tốt nhất có thể. Được nuôi con bú là trải nghiệm hạnh phúc và cảm thấy được trao quyền của các bà mẹ khi họ được chủ động trong việc nuôi dưỡng con cái của mình.



6.       Nước sạch và vệ sinh: NCBSM theo nhu cầu cung cấp đủ nước mà trẻ cần, thậm chí khi thời tiết nóng. Bên cạnh đó, nuôi trẻ bằng sữa công thức cần có nguồn nước sạch và đảm bảo vệ sinh.


7.       Năng lượng tái tạo và có giá cả hợp lý: NCBSM cần đến ít năng lượng hơn so với việc sản xuất sữa công thức. Việc này cũng giảm nhu cầu về nước, củi đun và nhiên liệu tại hộ gia đình.



8.       Nhiều việc làm và nền kinh tế phát triển tốt: Bà mẹ NCBSM nếu được chủ lao động hỗ trợ thì sẽ có năng suất lao động cao  và trung thành. Các chính sách bảo vệ bà mẹ và chính sách tại nơi làm việc có thể giúp người phụ nữ vừa NCBSM vừa có thể làm các công việc khác và đảm bảo việc làm.  Việc làm tốt cần đáp ứng được nhu cầu của bà mẹ đang cho con bú, đặc biệt những người trong hoàn cảnh không ổn định.


9.       Đổi mới và phát triển tốt cơ sở hạ tầng: Cùng với hiện đại hóa và đô thị hóa, các khó khăn thách thức về thời gian và không gian ngày càng trở nên rõ rệt. Các bà mẹ NCBSM làm việc bên ngoài cần phải quản lý tốt những thách thức này và cần được hỗ trợ bởi chủ lao động, bởi gia đình và cộng đồng của họ. Nhà trẻ gần nơi làm việc, phòng vắt trữ sữa và thời gian nghỉ cho con bú sẽ góp phần cho sự thay đổi.



10.   Giảm bất bình đẳng: Thực hành NCBSM có thể khác nhau giữa các vùng trên thế giới. NCBSM cần được bảo vệ, khuyến khích và hỗ trợ cho tất cả mọi người, đặc biệt cho người nghèo và dễ bị tổn thương. Việc đó sẽ giúp giảm đi sự mất bình đẳng trong xã hội.



11.   Các thành phố và các cộng đồng bền vững: Với sự bùng nổ của các thành phố lớn, bà mẹ NCBSM và con của họ cần được cảm thấy an toàn và được chấp nhận ở tất cả những nơi công cộng. Khi có xảy ra xung đột hoặc thiên tai, phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất. Phụ nữ có thai và đang cho con bú cần được hỗ trợ đặc biệt vào những thời điểm này.


12.   Sử dụng các nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm:  NCBSM cung cấp nguồn chất dinh dưỡng lành mạnh, không gây ô nhiễm, không tiêu tốn nguồn lực, đảm bảo bền vững và tự nhiên.



13.   Hành động vì khí hậu : NCBSM bảo vệ sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ nhỏ vào những thời điểm có xảy ra các biến cố hoặc thiên tai do ảnh hưởng của địa cầu đang nóng lên.


14.   Các đại dương bền vững: NCBSM mang lại ít vật thải hơn so với nuôi con bằng sữa công thức. Sản xuất và phân phối sữa công thức công nghiệp dẫn đến rác thải gây ô nhiễm biển và ảnh hưởng đời sống sinh vật biển.



15.   Sử dụng đất bền vững: NCBSM đảm bảo sinh thái so với nuôi bằng sữa công thức. Sản xuất sữa công thức gắn liền với các nông trại sữa đang gây gánh nặng lên nguồn lực thiên nhiên và góp phần tăng cao khí thải carbon và biến đổi khí hậu.


16.   Hòa bìnhcông lý: NCBSM được tôn trọng trong các khung hành động và công ước về quyền con người. Luật lệ và các chính sách quốc gia để bảo vệ và hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bú và trẻ nhỏ là cần thiết để đảm bảo quyền cho các đối tượng này.



17.   Các quan hệ đối tác cho phát triển bền vững: Chiến lược toàn cầu về Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hỗ trợ việc hợp tác liên ngành và được xây dựng dựa trên các mối quan hệ khác nhau để hỗ trợ cho sự phát triển thông qua các chương trình và sáng kiến về NCBSM.


Ts. Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia 
(Nguồn: http://worldbreastfeedingweek.org)