15 năm qua, với những giải pháp can thiệp và huy động xã hội hiệu quả, chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em ở nước ta đạt những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực liên tục đạt mức giảm SDD từ 1,8 đến 2%/năm, góp phần đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm tỷ lệ SDD trẻ em vào năm 2015.
Suốt một thời gian dài, SDD ở trẻ em khá nặng nề, có tới hơn 50% số trẻ bị SDD nhẹ cân (cân nặng theo tuổi thấp); trẻ bị SDD thể phù và SDD thể teo đét gặp khá phổ biến trong các bệnh viện; hàng chục nghìn trẻ em bị mù lòa do thiếu vi-ta-min A. Năm 1990, tỷ lệ SDD trẻ em thể nhẹ cân là 45%. Theo MDG mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của LHQ (năm 2000), đến năm 2015, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống mức 22,5%.
Hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng luôn được triển khai đạt kết quả cao, góp phần giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng. |
Bằng các giải pháp cụ thể, đến năm 2014, tỷ lệ SDD trẻ em thể nhẹ cân ở nước ta giảm chỉ còn 14,5%. Như vậy, với chỉ tiêu cam kết, Việt Nam đã hoàn thành MDG với mức giảm vượt dự báo. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá là quốc gia duy nhất trong khu vực liên tục đạt mức giảm SDD là 1,8 đến 2% một năm. Để đạt thành tích này, phải kể đến hàng loạt các chính sách và biện pháp can thiệp đồng bộ được triển khai trong những năm qua. Mục tiêu giảm SDD trẻ em được đưa vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng: “giảm tỷ lệ SDD trẻ em dưới 20% vào năm 2010”. Cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cũng được thể hiện rõ qua việc coi cuộc đấu tranh phòng, chống SDD là một mục tiêu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng giống nòi, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Ngành y tế với vai trò đầu mối điều phối các hoạt động có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong đó có chăm sóc dinh dưỡng luôn là ưu tiên hàng đầu. Viện Dinh dưỡng quốc gia đã xây dựng một mạng lưới triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, chú trọng mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng ở cơ sở. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp với trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố vào cuộc nhanh chóng và tích cực. Ngành y tế đề xuất các định hướng chiến lược phòng, chống SDD mới phù hợp, và có kế hoạch mở rộng chương trình ra phạm vi cả nước, gắn chặt với sự cam kết của các địa phương; đưa chỉ tiêu giảm SDD vào trong mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, huy động nguồn lực tại chỗ, vận động mỗi gia đình, cộng đồng, cụm dân cư tích cực tham gia. Thành công của chương trình chính là đã làm tốt công tác xã hội hóa với sự vào cuộc và kết hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ban, ngành tạo ra các cuộc vận động có sức lan tỏa tới các địa phương.
Yếu tố góp phần thành công là việc thực hiện đúng và có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật. Hướng dẫn ăn uống và dinh dưỡng hợp lý là một vấn đề không dễ dàng trong bối cảnh nhiều thói quen ăn uống lạc hậu, thiếu khoa học còn tồn tại khá phổ biến ngay cả ở các tầng lớp thu nhập trung bình hoặc khá. Chương trình dinh dưỡng đã áp dụng giáo dục thay đổi hành vi theo phương pháp tích cực thông qua mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng. Họ là những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ, bà mẹ và gia đình. Nếu nhìn vào tỷ lệ trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu tăng lên hằng năm, liên tục, thì mới đánh giá hết những cố gắng của Việt Nam trong giáo dục dinh dưỡng.
Chương trình phòng, chống thiếu vi-ta-min A; phòng, chống thiếu I-ốt cũng rất thành công đã đóng góp không nhỏ trong việc giảm SDD trẻ em. Bên cạnh đó, các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em như hoạt động tiêm chủng mở rộng, can thiệp giảm tử vong mẹ, làm mẹ an toàn… luôn gắn chặt với tư vấn dinh dưỡng, thay đổi hành vi, từng bước xây dựng văn hóa nuôi dưỡng theo khoa học. Trong nhiều năm, Viện Dinh dưỡng nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em và bà mẹ rất có giá trị. Chính các nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu đó đã giải quyết có hiệu quả công tác phòng, chống SDD ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi còn gặp nhiều khó khăn
Nếu như năm 2000, cả nước vẫn còn 10 tỉnh có tỷ lệ trẻ SDD nhẹ cân mức hơn 40%; 36 tỉnh, thành phố có mức SDD từ 30% đến 40%; 13 tỉnh, thành phố ở mức hơn 20% đến 30% và chỉ có hai thành phố đạt tỷ lệ SDD dưới 20%... thì đến năm 2015 chỉ còn tám tỉnh có tỷ lệ SDD từ 20 đến dưới 25%; có 47 tỉnh, thành phố tỷ lệ SDD từ 10 đến dưới 20% và tám tỉnh, thành phố có tỷ lệ SDD nhẹ cân dưới 10%.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng, song Việt Nam còn phải đối mặt tình trạng SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi), nhất là ở những vùng khó khăn, có nơi còn tới gần 40%. Do vậy, bên cạnh những biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật nhằm giảm bền vững tỷ lệ SDD trẻ em thì cần thêm nhiều sáng kiến để đưa vào thực tiễn. Như thành công của chương trình sữa học đường, nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam là cơ sở đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP về việc “Đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ trong lĩnh vực y tế”.
Theo khuyến cáo của UNICEF, các can thiệp trong giai đoạn tới nhằm hạ thấp tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở trẻ em cần phải tập trung vào cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong suốt thời kỳ mang thai và trẻ em dưới hai tuổi. Kém phát triển bào thai hoặc SDD thấp còi trong hai năm đầu tiên của cuộc đời sẽ gây nên những tổn thương không hồi phục được, bao gồm cả chiều cao lúc trưởng thành thấp hơn, học thức kém. Do vậy, tập trung vào chăm sóc cho trẻ em trong hai năm đầu đời để phát triển tốt, không bị SDD hoặc bị béo phì sớm là một điểm nhấn trong tầm nhìn giải quyết vấn đề SDD bền vững ở nước ta. Ngành y tế đã đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu thách thức trong giai đoạn tiếp theo đối với Việt Nam là giảm tỷ lệ SDD thấp còi ngay từ 1.000 ngày đầu đời của trẻ để bảo đảm quyết định nâng cao tầm vóc thế hệ thanh niên sau này.
Cùng với các cải cách mạnh mẽ trong hệ thống dịch vụ y tế, hoạt động chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em chắc chắn sẽ gặt hái những thành công, ngay cả có những biến động về kinh tế - xã hội, mức thu nhập của người dân. Các hoạt động y tế và can thiệp ưu tiên cho các vùng khó khăn mà Bộ Y tế triển khai sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả và duy trì các Mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết.
Theo GS. TS. Nguyễn Công Khẩn - nhandan.com.vn