Thông cáo báo chí Hội thảo Vận động đầu tư và tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động của CLQGDD 2024-2030, tầm nhìn 2045

Cập nhật: 12/31/2023 - Lượt xem: 6258

Hà Nội, ngày 26/12/2023 – Viện Dinh dưỡng Quốc gia-Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về “Vận động, đầu tư và tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng. Tham dự Hội thảo có các đại biểu từ Bộ, Ban, Ngành, Vụ, Viện và các tổ chức quốc tế và một số tỉnh, đã có 06 bài trình bày từ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Trường Đại học Y Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc, Quỹ Tầm vóc Việt, Trung tâm kiểm soát tỉnh Cao Bằng và cùng một số tham luận của một số đại biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, Lãnh đạo Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết “Trong những năm qua, mặc dù Việt nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe toàn dân, song chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”.

Thành tựu nổi bật trong 10 năm qua thực hiện triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng

Trong những năm qua, Ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai có hiệu quả việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe người dân và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân nói riêng. Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, cơ bản khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi, cải thiện chiều cao trung bình của trẻ em và chiều cao đạt được của thanh niên, cải thiện các chỉ số thực hành về nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Những khó khăn, thách thức về dinh dưỡng hiện nay

Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn chênh lệch vùng miền, đặc biệt là tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi.

Sự gia tăng nhanh chóng của trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em tuổi học đường và người dân sống ở vùng thành thị.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm, thiếu máu) ở phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ còn ở mức cao.

Còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng rối loạn chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng, như tiêu thụ ít rau, lối sống tĩnh tại ít vận động, tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều đường tự do, nhiều muối....

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi) đang giảm dần, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%; giảm dưới 18,9% vào năm 2022. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8%. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ dưới 5 tuổi vùng miền núi phía Bắc là cao nhất (37,4%), sau đó là vùng Tây nguyên (28,8%). Tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (15,0%) đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số nhẹ cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh. Tình trạng thiếu Vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng 25,6% và 16,2%. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp là 18,3%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi là 58% năm 2020; phụ nữ có thai là 63,5%. Tỷ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng, ở tất cả các lớp tuổi và ở tất cả các khu vực thành thị cũng như nông thôn. Thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7.4% (9.8% ở thành thị, 5.3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học đường. Kèm theo đó là hệ lụy gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm ở người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 15,6% và tiếp tục gia tăng 19,0% vào năm 2020.

Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện triển khai Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng

Để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản về sức khoẻ của nhân dân ta, ngày 05 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 với mục tiêu chung là bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Từ năm 2020-2022, Chính phủ đã đưa các hoạt động cải thiện dinh dưỡng thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và một số các đề án, chương trình liên quan. Ngày 19/05/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Quyết định số 1294/QĐ – BYT về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng trên toàn quốc như chưa hoàn thiện chính sách về dinh dưỡng, thiếu nguồn lực đầu tư cho dinh dưỡng ở một số nhiệm vụ, nhân lực cán bộ thực hiện công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người dân còn thiếu và chưa đảm bảo về chất lượng, tính phối hợp liên ngành chưa cao, kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân còn hạn chế, truyền thông và giám sát dinh dưỡng chưa thực hiện đầy đủ.

Theo Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD; trẻ em được điều trị khỏi thấp còi có khả năng thoát khỏi đói nghèo tới 33% khi trưởng thành, góp phần cho tăng trưởng GDP quốc gia từ 3-10%. Do đó, để thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2030 một cách bền vững, cần tiếp tục huy động các cấp các ngành, tổ chức quốc tế, xã hội và người dân để đầu tư về cả về chính sách và nguồn lực nhằm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cho dinh dưỡng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận và đi đến nhất trí một số đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ/Ban/Ngành liên quan, các tổ chức quốc tế; Lãnh đạo UBND các cấp và toàn xã hội hãy cùng chung tay, quan tâm tăng cường đầu tư và đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành cho các hoạt động triển khai Chiến lược quốc gia dinh dưỡng trong giai đoạn tới:

Xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng (đưa dinh dưỡng trong luật phòng bệnh, được chi trả bảo hiểm y tế; xây dựng tiêu chuẩn chức danh dinh dưỡng tại cộng đồng; nhãn cảnh báo, thực thi hiệu quả các chính sách hiện có)

Nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dinh dưỡng.

Tiếp tục giảm sự chênh lệch vùng miền, dân tộc về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm, thiếu máu) ở phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ

Tập trung hơn nữa để kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì trẻ 5 – 19 tuổi và người trưởng thành vùng thành phố, thành thị; kiểm soát tốt tình trạng rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng học đường, ngành nghề đặc thù, người cao tuổi, nữ vị thành niên, dinh dưỡng tiết chế bệnh viện.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ về dinh dưỡng, thực phẩm phù hợp cho người Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, tư vấn, thống kê, báo cáo về công tác dinh dưỡng trên phạm vi toàn quốc.

Đầu tư xây dựng kế hoạch ứng phó Dinh dưỡng khẩn cấp để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, môi trường

Tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động dinh dưỡng từ Trung Ương đến tỉnh, huyện, xã.

Cần có cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, lồng ghép (trung ương, địa phương, quốc tế, doanh nghiệp, tư nhân…)

Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế về dinh dưỡng, giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng mang tính toàn cầu và khu vực.

 Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Cán bộ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia

TS. Nguyễn Song Tú

Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp

Điện thoại: 0912322602

Email: nguyensongtu.ninvn@gmail.com

Viện Dinh dưỡng quốc gia. website: http://viendinhduong.vn