Chung tay cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân

Cập nhật: 10/16/2015 - Lượt xem: 5982

NDĐT - Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16-10), Bộ Y tế phát động Tuần “Dinh dưỡng và Phát triển” từ 16 đến 23-10 với chủ đề “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm nay tập trung vào các hoạt động như: Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình tạo nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện chất lượng bữa ăn và góp phần tăng thu nhập cho gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình.

Ngành y tế tăng cường hướng dẫn người dân biết lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có tại gia đình và địa phương, tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng hợp lý và an toàn, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Đồng thời phối hợp các ban, ngành đoàn thể liên quan để thúc đẩy các chính sách bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe trẻ em, người thất nghiệp, người già giúp giảm đói nghèo; tăng cường chất lượng dịch vụ y tế cho toàn dân, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành trước hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số bốn: Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) là 14,5% và 24,9%, đạt mục tiêu trước thời hạn năm 2015 (so với mục tiêu đề ra là 15% và 26%) ở tất cả các mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, vừa và nặng. Nhưng rõ ràng tỷ lệ này còn khá cao. Tỷ lệ SDD vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,9% và 30,7%, nhẹ cân là 22,6% và 19,8% . Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn; đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.

Theo số liệu cuộc điều tra toàn quốc về vi chất dinh dưỡng vừa được Viện Dinh dưỡng công bố, thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độ giảm chậm và vẫn phổ biến ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ, có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở các mức độ khác nhau và có sự khác biệt lớn giữa các vùng. Theo đó, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em là 27,8%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữ có thai là 32,8%; tỷ lệ thiếu vitamin A lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,0%...

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam. Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững. Tuy nhiên không có giải pháp đơn lẻ nào có thể phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng một cách hữu hiệu và bền vững.
                  
Nhân viên y tế cho trẻ uống vitamin A
Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và được đánh giá là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và được xếp là nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và vòng xoáy đói nghèo đặc biệt ở nông thôn.

Để bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng hộ gia đình góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp l‎ý tới từng hộ gia đình. Đặc biệt quan tâm tới các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão.

Mặc dù công cuộc xoá đói, giảm nghèo đã có thành công nhất định, nhưng trên cả nước tỷ lệ các hộ nghèo là 6% (năm 2014), ở các huyện nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo là 33,2%. Vì vậy, còn một số lượng đáng kể trẻ em sống trong nghèo đói và không được bảo đảm các quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập. Trẻ em nghèo đang gặp nhiều thiệt thòi, thiếu sự bảo vệ để các em được sống và phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Nghèo đói và bệnh tật là nguyên nhân của suy dinh dưỡng, dễ bị thất học và dễ trở thành nạn nhân bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng, bóc lột, bị buôn bán… Thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cần được cung cấp, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí...

Chính vì vậy cần có chính sách tiếp tục trợ giúp trẻ em nghèo, đó là tạo được môi trường xã hội, dịch vụ xã hội thuận lợi, nhất là môi trường pháp lý, để trẻ em nghèo có cơ hội phát triển như những trẻ em khác. Trong đó, chú trọng đến việc nâng cao dân trí để người dân có năng lực sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, cho trẻ em.

Theo Minh Hoàng - nhandan.com.vn