Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Đây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người… làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài.
THA còn gây các biến chứng như suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi, suy thận, xuất huyết võng mạc và tổn thương thị giác…
Ở Việt Nam, tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…Trong một nghiên cứu của Nguyễn Văn Đăng và cộng sự năm 1996 cho thấy THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não. Ước tính có khoảng 15.990 người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não hàng năm. Điều tra dịch tễ học suy tim và một số nguyên nhân chính tại các tỉnh phía bắc Việt Nam năm 2003 do Viện Tim mạch phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây suy tim tại cộng đồng là do tăng huyết áp (chiếm 10,2%), sau đó là do bệnh van tim do thấp (0,8%).
Trong năm 2012, gánh nặng bệnh tật (DALYs) do các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất (13,4%) trong tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo kết quả nghiên cứu từ giám sát tử vong dựa trên chọn mẫu điểm toàn quốc năm 2009, tử vong do các bệnh mạch máu não chiếm hàng đầu (ở nam và nữ tương đương là 16,6% và 18% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân); tử vong do thiếu máu cơ tim ở nam và nữ tương ứng là 3,7% và 3,5% trong tổng số tử vong. Năm 2011 có 112.600 ca tử vong do tai biến mạch máu não, chiếm tới 21,7% tổng số tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014, các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ tử vong lớn nhất (33%) trong tổng số tử vong do các nguyên nhân. Điều này có nghĩa là cứ 10 trường hợp tử vong thì có 3 trường hợp do nguyên nhân bệnh tim mạch. Các bệnh động mạch vành tim và tai biến mạch máu não là các bệnh tim mạch phổ biến và nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người… cần phải điều trị và chăm sóc lâu dài. Chi phí điều trị cho các bệnh nói trên là rất lớn do phải điều trị dài ngày (hầu như suốt quãng đời còn lại), thuốc và phương tiện kỹ thuật đắt tiền, ngoài ra còn phải kể đến chi phí gián tiếp do người nhà phải chăm nuôi… Nhìn chung, bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống thì thiệt hại về kinh tế do bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch nói riêng là rất lớn cho cả bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Như vậy cả trên thế giới và ở Việt Nam, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan đang gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong lớn nhất so với các nguyên nhân khác nên cần phải có các giải pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.
TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia