Hướng dẫn người nội trợ cách lựa chọn thực phẩm an toàn

Cập nhật: 5/2/2018 - Lượt xem: 16817

Để có một sức khỏe tốt, chúng ta cần có chế độ ăn uống phù hợp về dinh dưỡng, đồng thời thức ăn và đồ uống phải đảm bảo vệ sinh và an toàn. Vậy làm thế nào để người nội trợ lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn cho cả gia đình?

Nguồn cung cấp thực phẩm chính ở các thành phố hiện nay bao gồm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ đầu mối và các chợ bán lẻ, trong khi ở nông thôn chủ yếu là các chợ và cửa hàng bán lẻ. Có thể chia thực phẩm thành hai nhóm một cách tương đối như sau:

1) Thực phẩm đóng gói sẵn, có nhãn mác đầy đủ: ví dụ sữa hộp, bánh kẹo, nước giải khát…

2) Thực phẩm không có bao gói sẵn, không có nhãn mác đầy đủ: ví dụ rau, củ quả tươi sống, thịt, cá tươi…

Với thực phẩm đóng gói sẵn và có nhãn mác đầy đủ, để chọn được thực phẩm có chất lượng và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, cần lưu ý chung về cách lựa chọn thực phẩm như sau:

+ Sản phẩm bao gói phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm gồm: tên sản phẩm, nơi sản xuất, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thành phần cấu tạo chính. Chỉ chọn các thực phẩm còn hạn sử dụng. Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu. Người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.  

+ Sản phẩm phải được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất, ví dụ sản phẩm thịt, thủy sản đông lạnh phải để trong tủ lạnh đông, sữa và sản phẩm từ sữa phải được bảo quản trong tủ lạnh ở 2 – 5oC, sản phẩm đóng gói sẵn từ ngũ cốc được bảo quản nơi khô mát ở nhiệt độ phòng…

Với thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, thủy hải sản… nên lựa chọn như sau:

+ Nếu thực phẩm được bán ở cửa hàng, siêu thị, nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với sản phẩm, ví dụ: rau, củ, quả được bảo quản nơi thoáng mát; thịt, thủy sản được giữ lạnh đông hoặc để trong đá lạnh, trứng được để ở nhiệt độ mát

+ Nếu phải mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên chọn các hàng quen hoặc có uy tín để mua. Lưu ý tránh các quầy bán hàng gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh thoát nước thải, khu vực có rác thải, gần nhà vệ sinh. Nên chọn các quầy hàng được bày riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản.

+ Đối với rau, củ, quả nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ hoặc khác nhau. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Thận trọng với những loại rau: rau muống, rau ngót, xà lách, rau cải các loại. Tốt nhất mùa nào dùng rau đó sẽ ít nguy cơ hơn đối với các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như quá mập.

+ Đối với thịt nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt. Tránh các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Đối với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín, hoặc có màu đỏ lòe loẹt, có mùi lạ.

+ Đối với các loại thủy, hải sản, nếu có thể nên chọn các loại thực phẩm tươi, còn sống, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh dù là bán trong siêu thị hay ở chợ truyền thống.

Ví dụ chọn một số thủy hải sản tươi như sau: cá tươi phải có miệng ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy hải sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.

Chọn đồ hộp

Nhóm thực phẩm đóng hộp hiện nay cũng khá phổ biến và được nhiều người nội trợ tin dùng, vì vậy cần lưu ý một số thông tin chung để chọn đồ hộp an toàn như sau:

Hạn sử dụng của các loại đồ hộp thường khá dài, ví dụ các loại đồ hộp có acid thấp như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, sản phẩm ngũ cốc, khoai tây đóng hộ có hạn dùng 2 – 5 năm; các loại sản phẩm từ cà chua, nước rau quả ép, các loại dưa muối có hạn sử dụng 12 – 18 tháng. Lưu ý chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng. Nên chọn loại hai nắp hộp bị lõm vào, gõ có tiếng kêu đanh. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng sau:

+ Hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác, nếu có hiện tượng đó thì sản phẩm bên trong đã bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí.

+ Bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh 

+ Đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm

Các loại thực phẩm khác không nên lựa chọn và sử dụng

Thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là các loại ngũ cốc, hạt có dầu như đậu, lạc khi mốc có thể chứa độc tố vi nấm như aflatoxin gây ung thư gan.

Rau, củ, quả có mùi lạ của hóa chất bảo vệ thực vật; thịt, thủy hải sản có mùi lạ của thuốc thú y.

Các loại phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc.

Ths. Lê Hồng Dũng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia