Thực trạng và xu hướng tăng huyết áp và bệnh tim mạch trên thế giới và ở Việt Nam

Cập nhật: 7/9/2018 - Lượt xem: 54098

Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mức huyết áp tâm thu từ 115mg Hg trở lên được ước tính là góp phần vào 49% của tổng số trường hợp bệnh mạch vành tim và 62% tổng số đột quỵ. Do vậy, gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạnh tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay.

        Định nghĩa Tăng huyết áp : Một người được xác định là bị tăng huyết áp (THA) là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương  ≥ 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị để hạ huyết áp.

       Hậu quả của Tăng huyết áp:  THA là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Đây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như mất ý thức, liệt nửa người… làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài.

THA còn gây các biến chứng như suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi, suy thận, xuất huyết võng mạc và tổn thương thị giác…

       Tình hình tăng huyết áp trên thế giới

            Tình trạng THA là phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị THA, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi.

Theo nghiên cứu tổng hợp mới nhất của nhóm nghiên cứu quốc tế về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy tại thời điểm năm 2015 huyết áp tâm thu trung bình chuẩn hóa theo tuổi trên toàn cầu là 127,0 mmHg ở nam và 122,3 mmgHg ở nữ; huyết áp tâm trương trung bình chuẩn hóa theo tuổi là 78,7mmg ở nam và 76,7mmHg ở nữ. Tỷ lệ tăng huyết áp chuẩn hóa theo tuổi trên toàn cầu là 24,1% ở nam và 20,1% ở nữ vào năm 2015. Huyết áp tâm thu trung bình và huyết áp tâm trương trung bình giảm rõ rệt từ 1975 đến 2015 ở các nước thu nhập cao ở phương Tây và Châu Á Thái Bình Dương, làm cho các nước này dịch chuyển từ các nước có huyết áp cao nhất trên thế giới năm 1975 xuống thấp nhất thế giới vào năm 2015. Huyết áp trung bình cũng giảm ở phụ nữ ở các nước trung Âu và đông Âu, Mỹ la tinh và Caribe, và gần đây hơn, Trung Á, Trung Đông, và bắc Phi, nhưng các xu hướng ước tính ở các khu vực này có độ không chắc chắn lớn hơn ở các khu vực thu nhập cao. Ngược lại, huyết áp trung bình có thể tăng ở Đông Á và Đông Nam Á, Nam Á, và tiểu vùng Sahara châu Phi. Vào năm 2015, Trung và Đông Âu, tiểu vùng Sahara châu  Phi và Nam Á có mức huyết áp cao nhất. Tỷ lệ tăng huyết áp giảm ở các nước thu nhập cao và một số nước thu nhập trung bình; còn lại ở các  nước khác là không thay đổi. Số lượng người trưởng thành có tăng huyết áp tăng từ 594 triệu người năm 1975 lên 1,13 tỷ người năm 2015, với sự gia tăng lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tình hình tăng huyết áp ở Việt Nam

      Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc THA đang gia tăng một cách nhanh chóng. Theo thống kê, năm 1960, tỷ lệ THA ở người trưởng thành phía bắc Việt Nam chỉ là 1% và hơn 30 năm sau (1992) theo điều tra trên toàn quốc của Viện Tim mạch thì tỷ lệ này đã 11,2%, tăng lên hơn 11 lần. Theo kết quả điều tra năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp ở người độ tuổi 25-64 là 25,1%. Theo Tổng điều tra toàn quôc về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, có 18,9% người trưởng thành trong độ tuổi 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới. Còn nếu xét trong độ tuổi 18-25 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp tăng từ 15,3% năm 2010 lên 20,3% năm 2015. Như  vậy là cứ 5 người trưởng thành 25-64 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…Trong một nghiên cứu của Nguyễn Văn Đăng và cộng sự năm 1996 cho thấy THA là nguyên nhân chính (chiếm 59,3% các nguyên nhân) gây ra tai biến mạch máu não. Ước tính có khoảng 15.990 người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não hàng năm. Điều tra dịch tễ học suy tim và một số nguyên nhân chính tại các tỉnh phía bắc Việt Nam năm 2003 do Viện Tim mạch phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây suy tim tại cộng đồng là do tăng huyết áp (chiếm 10,2%), sau đó là do bệnh van tim do thấp (0,8%).

Trong năm 2012, gánh nặng bệnh tật (DALYs) do các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất (13,4%) trong tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo kết quả nghiên cứu từ giám sát tử vong dựa trên chọn mẫu điểm toàn quốc năm 2009, tử vong do các bệnh mạch máu não chiếm hàng đầu (ở nam và nữ tương đương là 16,6% và 18% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân); tử vong do thiếu máu cơ tim ở nam và nữ tương ứng là 3,7% và 3,5% trong tổng số tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014, các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ tử vong lớn nhất (33%) trong tổng số tử vong do các nguyên nhân.

Như vậy cả trên thế giới và ở Việt Nam, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan đang gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong lớn nhất so với các nguyên nhân khác nên cần phải có các giải pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.
 TS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia