Một số hoạt động hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm 2013

Cập nhật: 10/8/2013 - Lượt xem: 20208

Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” 2013

Chiến dịch truyền thông về dinh dưỡng do Bộ Y tế phát động nhằm hưởng ứng

ngày Lương thực thế giới (16/10/2013) của Tổ chức Nông-Lương Liên hiệp quốc (FAO)

 

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2013 – Chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển”.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23 tháng 10 năm 2013 với chủ đề là Đảm bảo an ninh dinh dưỡng và An toàn thực phẩm để mọi người khỏe mạnh’’.   

1.  Thông điệp chính trong chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay là:

- Tích cực tạo nguồn thực phẩm an toàn thông qua phát triển ô dinh dưỡng tại hộ gia đình.

- Phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào tại địa phương.

- Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có ở địa phương trong bữa ăn gia đình.

- Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và an toàn để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì.

- Sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến thức ăn.

2.     Các nội dung hoạt động tuyên truyền trong tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” 16-23/10/20132013

- Khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo ra nguồn lương thực - thực phẩm dồi dào tại gia đình và địa phương trên cơ sở giữ gìn vệ sinh môi trường; biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình, đặc biệt là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tai xảy ra. Tăng cường kiểm tra giám sát và nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo ra nguồn lương thực - thực phẩm sạch, an toàn.

- Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em.

3.   Kế hoạch triển khai các hoạt động trong tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay tập trung vào các nội dung sau:

Tuyến TW

• Ban hành các văn bản chỉ đạo; Hướng dẫn tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông “Tuần lễ DD&PT”

• Sản xuất và Cấp phát các tài liệu truyền thông cho các địa phương

• Cung cấp thông tin; Tổ chức đưa phóng viên đi lấy tin tại địa phương; Đặt viết bài; Sản xuất các chương trình, phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng (TV; Đài; Báo; Tạp chí; Internet…)

• Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.

• Theo dõi, tổng kết, báo cáo kết quả.

Tuyến tỉnh/thành phố

• Xây dựng Kế hoạch; Ban hành văn bản chỉ đạo và Hướng dẫn tuyến dưới triển khai chiến dịch;

• Tổ chức lễ phát động; Phối hợp với các Sở/Ban/Ngành để triển khai các hoạt động: Sở NN&PTNT; Sở VH&TT…

• Sản xuất chương trình hoặc tiếp sóng đài TW đối với các bài có nội dung tuyên truyền về Tuần lễ DD&PT.

• Tổ chức các hoạt động; sự kiện truyền thông.

• Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.

• Theo dõi, tổng kết, báo cáo kết quả.

Tuyến quận/huyện; xã/phường

•  Thực hiện các nội dung hoạt động hưởng ứng Tuần lễ DD&PT theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên bằng các hình thức phù hợp, sáng tạo:

+ Treo băngzon, khẩu hiệu trên các trục đuờng chính

+ Tổ chức các Hội thi; sinh hoạt CLB;

+ Tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức;

+ Tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền về dinh dưỡng hợp lý;

+ Phối hợp với Hội  Nông dân, Hội  phụ nữ và Đòan thanh niên  hướng dẫn kỹ thuật phát triển VAC gia đình trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường.

4.  Tình hình dinh dưỡng và bữa ăn của người dân

Theo số liệu Giám sát dinh dưỡng tòan quốc năm 2012 (do Tổng cục thống kê và Viện Dinh dưỡng công bố) thì tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em là: 16,2% (SDD thể nhẹ cân); 26,7% (SDD thể thấp còi); 6,7% (SDD thể gày còm).

Vẫn còn 17 tỉnh/thành phố có Tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở mức >20% (là mức cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Hiện có 21 tỉnh/thành phố có tỷ lệ SDD thể thấp còi >30% (là mức cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới), trong đó có 1 tỉnh có tỷ lệ SDD thể thấp còi ở mức trên 40% (là mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới). Tốc độ giảm SDD thể thấp còi đã chậm lại so với những năm trước đây ở tất cả các địa phương.

Ước lượng theo dân số trẻ em nước ta hiện nay khoảng 86 triệu, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 9,45% (theo cơ cấu dân số từ Tổng điều tra Dân số và Nhà) thì cả nước hiện có khoảng 7,68 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Số trẻ em SDD thể nhẹ cân hiện nay vào khoảng 1,240,000 trẻ và SDD thể thấp còi vào khoảng 2.050.000 trẻ.

-  Thừa cân, béo phì ở trẻ < 5 tuổi: năm 2000=0.62% và 2010= 5.6%

-  Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2009-2010 do Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng tiến hành (Tổng Điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2009-2010. NXB Y học, 2010) thì:

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu dinh dưỡng (TMDD) là 29,2%, ở phụ nữ có thai là 36,5% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ chung là 28,8%.

+ Thiếu vitamin A ở nước ta chủ yếu là thể tiền lâm sàng với tỷ lệ còn cao (14,2% ở trẻ em và vào khoảng 35% ở bà mẹ đang cho con bú).

+ Tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A trong nhóm đối tượng trẻ em được uống là 79,5%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con được uống vitamin A là 51,4%.

+ Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam ở nhóm 20-24 tuổi trung bình của Nam là 164,44 cm; Nữ là 153,42 cm.

+ Khẩu phần ăn hàng ngày tại hộ gia đình cho thấy có biến đổi đáng kể so với trước đây. Mức năng lượng khẩu phần từ năm 1985 đến nay không thay đổi đáng kể (năm 1981 tiêu thụ 1925 ± 230 kcal, năm 2010 tiêu thụ 1925,4 ± 587 kcal) nhưng cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn thay đổi. Năm 1985, năng lượng từ nguồn Protein, Lipid và Glucid theo thứ tự (P:L:G =11,2:6,2:82,6) thì hiện nay, năm 2010, là (P:L:G=15,9:17,8:66,3).

+ Lượng Protid và Lipid trong khẩu phần tăng làm cho khẩu phần ăn hiện nay cân đối hơn. Các thực phẩm ăn vào hàng ngày đa dạng hơn so với bữa ăn đơn điệu trước đây. Có sự khác biệt đáng kể trong cơ cấu khẩu phần ăn nhân dân ở các vùng sinh thái khác nhau và giữa nông thôn với thành thị.

+ Về các vi chất dinh dưỡng từ khẩu phần thì lưu ý mức đáp ứng nhu cầu sắt của khẩu phần trẻ 24-35 tháng chỉ đạt 56% nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam (NCKN).

+ Tỷ lệ phụ nữ (18-49 tuổi) thiếu năng lượng trường diễn (NLTD) là 18,0%, trong khi đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì là 8,2%.

+ Kiến thức hiểu biết về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì trên cả nước có 82,1% người tiêu dùng từng được xem/nghe/tuyên truyền kiến thức VSATTP, tỷ lệ này thấp nhất ở hai vùng Trung du & MNPB và ĐBSCL (75,1% và 75,6% tương ứng).

+ Tỷ lệ người dân có hiểu biết về các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là 69,7% - 73,6% (đối với một số triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm).

5. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu quan trọng

Ngày 22/2/2012, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 226/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng (CLQGDD) giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030. Chiến lược khẳng định nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân. Cần phấn đấu bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ cho người Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nội dung cụ thể của CLQGDD bao gồm 6 mục tiêu cụ thể: Thứ nhất là tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân; Thứ hai là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em; Thứ ba là cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng; Thứ tư là từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành; Thứ năm là nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý; Thứ sáu là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế
(ĐT: 84-4-39720608; Email: ninvietnam@viendinhduong.vn)

Hoặc truy cập website: http://viendinhduong.vn


Tải về các văn bản có liên quan dưới đây: