Tăng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng - Cần đồng thuận nhiều phía

Cập nhật: 5/25/2012 - Lượt xem: 18291

NDĐT- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nhiều bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách kéo dài thời gian nghỉ sau sinh cho các bà mẹ trong tháng 9 tới. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị chính sách hỗ trợ dinh dưỡng cho các bà mẹ không hưởng lương giúp họ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.

Khi trẻ bú sữa bò

Trong hội nghị tham vấn về chính sách nghỉ thai sản của lao động nữ diễn ra mới đây, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Trọng An đã ví von: “Tại sao trẻ em của chúng ta khi sinh ra lại phải bú sữa bò - loài động vật thường bị chê bai về trí thông minh - trong khi sữa mẹ lại bị từ chối? Phải chăng các bà mẹ Việt Nam bị thiếu sữa, hoặc không đủ sữa cho con mình?”

Nhận xét khá sát thực tế hiện nay.

Ông An, hiện là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi tới 29,8%. Trong số gần bảy triệu trẻ em dưới năm tuổi, cứ ba em lại có một em bị thấp còi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do các em không được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.

Chị Trần Thu Hà, nhân viên của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, khi mới sinh, chị luôn có đủ sữa cho con bú trong vòng bốn tháng đầu. Tuy nhiên, khi trở lại đi làm, bé nhà chị bắt buộc phải ăn thêm sữa ngoài và nguồn sữa cũng ít dần. Khi bé tròn một tuổi, em bé không còn bú mẹ và kết quả là bé cai sữa sớm hơn so với khuyến cáo của Bộ Y tế.

Còn chị Vũ Thị Huyền, kế toán một công ty liên doanh hàng hải, sau bốn tháng muốn nghỉ thêm hai tháng chăm con cho cứng cáp nhưng vì áp lực công việc, chị vẫn phải đi làm để giữ vị trí.

Với quy định nghỉ thai sản bốn tháng như hiện nay, các lao động nữ rất khó thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế về nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, tạo thành một vòng luẩn quẩn: mẹ đi làm - trẻ thiếu sữa - hay ốm - mẹ nghỉ làm - năng suất lao động thấp…

Ngược dòng thời gian sẽ thấy quy định chính sách thai sản của nước ta đã có nhiều thay đổi. Thời kỳ từ trước năm 1985 quy định người mẹ chỉ được nghỉ sinh con hai tháng. Nhiều bà mẹ đã phải cố gắng đi làm tới tận ngày sinh để dành trọn vẹn hai tháng nghỉ chăm con. Cùng thời điểm đó, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng rất cao (50%). Thậm chí ở một số địa phương, con số này còn chạm mốc 53-56%.

Quyết định số 121-HĐBT ngày 19-4-1985 (có hiệu lực thi hành từ ngày 24-12-1984) đã sửa đổi chế độ nghỉ thai sản từ hai tháng lên sáu tháng, chứng tỏ chính sách bảo hiểm xã hội thời kỳ này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, thể hiện nỗ lực rất lớn trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khắn.

Đến năm 1995, theo Bộ luật Lao động mới, Chính phủ đã quy định lại thời gian nghỉ thai sản rút gọn xuống còn bốn tháng và áp dụng tới nay. Trong điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống ngày càng được cải thiện, việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách cho các bà mẹ được nghỉ một thời gian dài hơn sau sinh, tối thiểu sáu tháng, là hợp lý. Điều này giúp cho trẻ nhỏ được nuôi nấng bằng sữa mẹ tốt hơn, tăng cường sức khoẻ cho cả bà mẹ và trẻ em, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các thế hệ sau này.

Tuy nhiên, chính sách kéo dài thời gian nghỉ thai sản chỉ hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 20 triệu bà mẹ là cán bộ, công chức và lao động nữ trong khối doanh nghiệp, khu công nghiệp... Còn khoảng 20 triệu bà mẹ thuộc đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, không hưởng lương như phụ nữ ở khu vực nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ... Do đó, chúng ta cũng cần có chế độ hỗ trợ dinh dưỡng trực tiếp cho đối tượng này để họ có thể thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và chăm sóc đầy đủ hơn cho các em trong giai đoạn còn nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng cho biết, rào cản với kiến nghị tăng thời gian nghỉ thai sản không chỉ đến từ người mẹ mà còn có trong nhận thức của các chuyên gia, nhà lãnh đạo. Một lãnh đạo Hội đồng doanh nghiệp nữ từng cho rằng, nghỉ thai sản sáu tháng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và hiệu quả của doanh nghiệp, tăng chi phí đầu vào cho nhân viên, nguy cơ bị tụt hậu so với đồng nghiệp. Hoặc một chuyên gia về lao động - xã hội lại nhận định, chế độ nghỉ bốn tháng hiện nay đã khá ưu việt nếu so sánh với các nước có cùng điều kiện kinh tế nên cần giữ nguyên.

Bác sĩ An nhận xét, thông điệp của chúng ta là “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng cơ hội để chăm sóc các em phải bắt đầu ngay từ hôm nay, chứ không thể để tới ngày mai, bởi lúc đó đã quá muộn.

Rất cần chính sách hỗ trợ

Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc tổ chức Alive and Thrive, nhận xét, Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi cao nhất thế giới. Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng sẽ giúp trẻ em Việt Nam được bú mẹ nhiều hơn, góp phần cải thiện chiều cao và sức khoẻ của trẻ em Việt Nam trong tương lai.

Bà Nemat Hajeebhoy nhấn mạnh, lợi ích của cho trẻ bú mẹ trước mắt là nguồn dinh dưỡng ưu việt, kinh tế, bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn và dị ứng. Còn về lâu dài, trẻ có thể giảm được các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, các hội chứng chuyển hóa, giảm thiểu các căn bệnh ác tính như máu trắng, bệnh Hodgkin….

Ba tiêu chí hành quan trọng nhất cần thực hiện là cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu (không cho trẻ uống nước, sữa bột hay ăn dặm), tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi và lâu hơn. Sữa mẹ để dành cho người nên không chỉ chứa vitamin, khoáng chất, protein, kháng thể…mà còn sản sinh thêm các chất mới thích ứng với môi trường sống của mẹ và bé.

Những khó khăn trong thực hiện Nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam cũng rất nhiều. Ít bà mẹ tin rằng họ có đủ sữa cho bé bú, áp lực dùng sữa bột do sự quảng cáo quá mức… Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là mẹ phải đi làm đã ngăn cản trẻ không được hưởng trọn nguồn sữa mẹ trong vòng sáu tháng đầu đời.

Trung bình một phụ nữ Việt Nam có hai con, bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi và nghỉ hưu vào 55 tuổi như quy định hiện hành. Trong khoảng 30 năm làm việc, họ chỉ được nghỉ tám tháng để nuôi con là quá ít, không đủ tái tạo sức lao động ở người mẹ. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ với người cha vì em bé là con chung của cặp vợ chồng, thành viên của gia đình và xã hội. Vì vậy, hướng đến một thế hệ khoẻ mạnh thì cần có những chính sách điều chỉnh phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, với chế độ nghỉ thai sản hiện nay, các bà mẹ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Hầu hết các xí nghiệp, nhà máy, cơ quan đều không có điều kiện xây dựng nhà trẻ cho trẻ bốn tháng tuổi. Do vậy, họ gặp phải nhiều áp lực khi nghỉ hết thời gian quy định mà không có người trông trẻ. Nhiều trường hợp bà mẹ ở nơi làm việc thừa sữa, phải vắt bỏ trong khi bé ở nhà thiếu sữa do không thể về cho con bú. Trong thực tế, không phải phụ nữ nào cũng mong được nghỉ sinh nhiều hơn do muốn đi làm trở lại để bảo đảm thu nhập của gia đình. Nhiều bà mẹ, nhất là chị em làm việc ở cơ quan liên doanh với nước ngoài, muốn đi làm sớm để có thu nhập được cao hơn.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế năm vừa qua cho thấy, chỉ có hơn 18% trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Còn tại cộng đồng, các bà mẹ còn chịu ảnh hưởng bởi hình ảnh quảng cáo tràn lan của sữa bột công thức và áp lực về việc làm. Do đó, tăng thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ cao hơn. Điển hình như ở Na Uy, khi thời gian nghỉ thai sản được trả lương tăng gấp bốn (từ 10 tuần lên 40 tuần), tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đã tăng gấp tám lần (đạt 80%). Đây có thể coi là giải pháp đầu tư ít tốn kém cho xã hội.

NGÂN ANH - Báo Nhân dân điện tử