Hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 và chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020

Cập nhật: 5/25/2012 - Lượt xem: 27549
Ngày 04/04/2012 tại Khách sạn Hilton - Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Viện Dinh dưỡng đã tổ chức Hội nghị công bố "Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 và chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020".

Dưới đây là những kết quả chủ yếu của cuộc Tổng điều tra và giới thiệu chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020:


  1. Năm 2010, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em nước ta là 17,5% (chỉ tiêu cân nặng/tuổi), trong đó SDD vừa (độ I) là 15,4%, SDD nặng (độ II) là 1,8% và SDD rất nặng (độ III) là 0,3%. 20/63 tỉnh, thành có mức SDD trẻ em trên 20% (xếp ở mức cao theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới).

Tỷ lệ trẻ em SDD theo chỉ tiêu chiều cao/tuổi (SDD thể thấp còi) năm 2010  toàn quốc là 29,3%, trong đó xét theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới có đến 31 tỉnh tỷ lệ trên 30% (mức cao), 2 tỉnh trên 40% (mức rất cao). Mức giảm trung bình SDD thấp còi trong 15 năm qua (1995-2010) là 1,3%/năm. Tỷ lệ SDD thể gầy còm (cân/cao) là 7,1%.

Ước tính đến năm 2010, nước ta còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em SDD thấp còi và khoảng 520 ngàn trẻ em SDD gày còm. Phân bố SDD không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau.

Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi 5,6% (ở thành phố 6,5% và ở nông thôn 4,2%). Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng. So với năm 2000, tỷ lệ thừa cân-béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi hiện cao hơn 6 lần.

2.  Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu dinh dưỡng (TMDD) là 29,2%, ở phụ nữ là có thai là 36,5%% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ chung là 28,8% - (Điều tra năm 2008).

Thiếu vitamin A ở nước ta chủ yếu là thể tiềm lâm sàng với tỷ lệ còn cao (14,2% ở trẻ em và vào khoảng 35% ở bà mẹ đang cho con bú) (Điều tra năm 2008).

Tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A trong nhóm đối tượng trẻ em được uống là 79,5%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con được uống vitamin A là 51,4%.

3.      Chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam ở nhóm 22-26 tuổi cho cả nam và nữ, với mức đạt được trung bình của nam là 1,64 m (tương đương 5 ft 5 in), nữ là 1,54 m (tương đương 5 ft 1 12 in).

4.      Khẩu phần ăn hàng ngày tại hộ gia đình cho thấy có biến đổi đáng kể so với trước đây. Mức năng lượng khẩu phần từ năm 1985 đến nay không thay đổi đáng kể (năm 1981 tiêu thụ 1925 ± 230 kcal, năm 2010 tiêu thụ 1925,4 ± 587 kcal) nhưng cơ cấu sinh năng lượng trong khẩu phần ăn thay đổi. Năm 1985, năng lượng từ nguồn glucid, từ protein và chất béo theo thứ tự G: P: L= 82,6: 11,2: 6,2 thì hiện nay (năm 2010) G:P:L=66,3: 15,9: 17,8.

Lượng Protid và Lipid trong khẩu phần tăng làm cho khẩu phần ăn hiện nay cân đối hơn. Các thực phẩm ăn vào hàng ngày đa dạng hơn so với bữa ăn đơn điệu trước đây. Có sự khác biệt đáng kể trong cơ cấu khẩu phần ăn nhân dân ở các vùng sinh thái khác nhau và giữa nông thôn với thành thị.

Khẩu phần ăn trẻ em 2- 5 tuổi có mức năng lượng trung bình đáp ứng được 97% nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Lượng Protit tổng số là 49 g/ ngày chiếm 17% năng lượng của khẩu phần, đã đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.

Về các vi chất dinh dưỡng từ khẩu phần thì lưu ý mức đáp ứng nhu cầu sắt của khẩu phần trẻ 24-35 tháng chỉ đạt 56% NCKN.

  1. Tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ (18-49 tuổi) có chỉ số khối cơ thể (CSKCT) < 18,5 là 18,0%. Trong khi đó, có 8,2% phụ nữ độ tuổi sinh đẻ  CSKCT ≥ 25 (thừa cân và béo phì).

6.      Về kiến thức hiểu biết Vệ sinh thực phẩm (VSTP) thì trên cả nước có 82,1% người tiêu dùng từng được xem/nghe/tuyên truyền kiến thức VSATTP, tỷ lệ này là tương đương ở các vùng ĐBSH, BTB&DHMT, TN và ĐNB, nhưng thấp nhất ở hai vùng Trung du & MNPB và ĐBSCL (75,1% và 75,6% tương ứng). Tỷ lệ người dân hiểu biết về các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm cũng khá cao, trung bình là 69,7% và 73,6% đối với hai triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm.

7.      Ngày 22/2/2012 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 226/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn năm 2030 –  Chiến lược khẳng định nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mọi người dân. Cần phấn đấu bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sống.

6 mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030:
  • Thứ nhất: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.
  • Thứ hai: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.
  • Thứ ba: Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng.
  • Thứ tư: Từng bước kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì và yếu tố nguy cơ của một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng người trưởng thành.
  • Thứ năm: Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý và cuối cùng
  • Thứ sáu: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Một vài hình ảnh về Hội nghị:

    
   

   
 
          

Link download:

Toàn văn:
Quyết định của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Toàn văn:
Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Toàn văn: Kết quả chủ yếu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2010 và chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011-2020