Thông điệp của Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 2016

Cập nhật: 8/2/2016 - Lượt xem: 7506

Bạn có quan tâm đến con người, đến hành tinh này, đến sự phồn vinh của xã hội và đến hòa bình hay không? Hãy cùng tham gia với mọi người, những người tin tưởng vào sự phát triển bền vững, những người đang sống theo cách không gây tổn hại cho những thế hệ kế tiếp.

Từ 1/8 đến 7/8 hàng năm, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) được các quốc gia trên thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc NCBSM. Tuần lễ thế giới NCBSM năm nay 2016 được phát động với chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững” nhấn mạnh đến tầm quan trọng của NCBSM trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia.

Tuần lễ NCBSM năm nay tập trung vào 17 Mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia trên thế giới  đã cùng đồng thuận để đạt được vào năm 2030. Mục tiêu phát triển bền vững được xây dựng dựa trên các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) bao gồm các vấn đề từ sinh thái, đến kinh tế và sự công bằng. Các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới việc đối phó với nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói và định hướng phát triển có thể tác động đến tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Tuần lễ NCBSM 2016 đánh dấu thời điểm khởi phát để chúng ta có thể cùng nhau hành động để đạt tới sự phát triển bền vững thông qua việc bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ NCBSM.

1.      Nuôi con bằng sữa mẹ: Chìa khóa cho sự phát triển bền vững (Chủ đề năm 2016)

Bạn có biết rằng NCBSM có tác động hỗ trợ đến đa số các mục tiêu phát triển bền vững được đưa ra từ Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc năm 2015. Nhân tuần lễ NCBSM này, hãy cùng tìm hiểu tại sao NCBSM lại là một giải pháp đầu tư lâu dài sáng suốt nhất của mỗi một quốc gia.


Khi mỗi quốc gia ủng hộ cho việc NCBSM, quốc gia đó đã đặt nền móng cho một tương lai khỏe mạnh, công bằng và bền vững.

2.      Xóa bỏ nghèo đói + Sức khỏe và thể trạng tốt

NCBSM là nền tảng của dinh dưỡng tốt từ ngày đầu đời của bé đến khi trưởng thành. Trẻ nhỏ được nhận các chất dinh dưỡng để phòng bệnh, giảm các nguy cơ về lâu dài như béo phì, đái đường type 2, và các bệnh mạn tính không lây. Với mỗi quốc gia, NCBSM giảm các chi phí y tế và tạo ra lực lượng lao động ổn định và khỏe mạnh.


NCBSM trong 2 năm đầu đời là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tử vong trẻ em trên toàn cầu

3.      Đảm bảo tiêu thụ và sản xuất bền vững + Cải thiện cuộc sống trên đất trồng

NCBSM hỗ trợ sự bền vững của môi trường. Các sản phẩm thay thế sữa mẹ sử dụng năng lượng để sản xuất, nguyên liệu để đóng gói, năng lượng để phân phối, nước và các chất tẩy rửa để chuẩn bị hàng ngày – như vậy đã thải ra quá nhiều carbon cho môi trường. Hỗ trợ NCBSM thay vì các loại sữa thay thế sẽ giúp mỗi quốc gia đạt được mục tuêu toàn cần về giảm ô nhiễm đất và nước, và thúc đẩy trách nhiệm cũng như việc sản xuất và tiêu thụ sạch và đảm bảo sinh thái.


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng luôn được làm mới, được sản xuất mà không gây ô nhiễm và không thải ra chất carbon

4.      Đảm bảo chất lượng giáo dục

NCBSM góp phần dẫn đến sự thành công của giáo dục thông qua việc cung cấp sự khởi đầu hoàn hảo về dinh dưỡng cho trẻ. NCBSM tăng năng lực của não bộ, do đó tăng khả năng lao động và thu nhập khi trẻ lớn lên.


NCBSM liên quan đến tăng trung bình 3 điểm IQ ở trẻ em và trẻ vị thành niên

5.      Đạt được công bằng về giới

NCBSM không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ mà còn mang lại lợi ích cho bà mẹ. Giãn khoảng cách sinh giúp các bà mẹ có được quyền chủ động về sinh sản, đặc biệt ở các quốc gia hạn chế về tiếp cận thông tin và chăm sóc y tế về kế hoạch hóa gia đình.


NCBSM giúp giảm mang thai ngoài ý muốn, giúp cho bà mẹ có thể tiếp tục việc học cao hơn, tìm đến các công việc có thu nhập tốt hơn và sống một cuộc sống đảm bảo công bằng hơn.

6.      Chấm dứt nghèo đói; Tăng cường phát triển kinh tế; và Giảm bất bình đẳng

NCBSM có thực sự mang lại lợi ích cho kinh tế quốc gia hay không? Lợi ích kinh tế liên quan đến việc NCBSM đã tiết kiệm được hàng tỉ đôla về chi phí y tế hàng năm, tăng cường khả năng nhận thức và khả năng tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giảm chi phí của các gia đình dành cho việc mua sữa thay thế.


Trên toàn cầu, chi phí của việc giảm năng lực trí tuệ do không bú mẹ khoảng 300 tỷ đôla hàng năm hay 0.49% tổng thu nhập toàn cầu.

Ts. Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Nguồn: A&T)