Thực trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay

Cập nhật: 1/27/2018 - Lượt xem: 36200

Suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã xác định rõ mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng khi còn nhỏ đến sự phát triển thể chất, tinh thần, khả năng lao động và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, ung thư sau này. Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được đánh giá là đã giảm nhanh và bền vững trong những năm qua, kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng được cải thiện. Kết quả đó là sự đóng góp của các Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em),  chương trình bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt đã được triển khai trên toàn quốc... Theo kết quả điều tra 30 cụm trên toàn quốc năm 2016 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%, suy dinh dưỡng thấp còi là 24,3%.

 Việt Nam phải trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn  do hậu quả của nhiều năm chiến tranh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đầu những năm 80 của thế kỷ trước rất cao (trên 50% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng) và hiện nay tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở ngưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi (cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi) và có sự khác biệt giữa các vùng miền, một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao (trên 35%). Tình trạng thừa cân/béo phì ở trẻ em hiện đang gia tăng nhanh đặc biệt là ở một số tỉnh thành có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và ở khu vực đô thị lớn (có tỉnh hiện nay đã trên 10%); tình trạng thiếu vi chất ở bà mẹ và trẻ em có giảm so với những giai đoạn trước những vẫn ở mức cao, tình trạng thiếu nhiều loại vi chất ở một cá thể vẫn còn phổ biến…. Tuy nhiên, các nguồn lực đầu tư ngày càng hạn hẹp so với những năm trước nên hiện tại, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đang gặp nhiều thách thức.

 

Với mục tiêu tiếp tục triển khai các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số 2016-2020), công tác phòng phóng suy dinh dưỡng trẻ em sẽ tiếp tục đẩy mạnh với với các giải pháp toàn diện như triển khai gói can thiệp dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; bổ sung vitamin A, bổ sung viên sắt/viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ; theo dõi tăng trưởng, điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng; kiểm soát thừa cân/béo phì, tăng cường phối hợp liên ngành trong đó, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các tỉnh khó khăn nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế các địa phương cùng với sự đầu tư phù hợp và sự phối hợp Bộ/Ngành, các tổ chức quốc tế chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng về dinh dưỡng trong những năm tới, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm suy dinh dưỡng trẻ em.
Ts. Bs Vũ Văn Tán - Viện Dinh dưỡng